Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố đường dây 500kV

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung khắc phục nhanh sự cố đổ cột điện trên đường dây 500kV Hiệp Hòa-Quảng Ninh, xác định nguyên nhân sự cố.
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố đường dây 500kV ảnh 1Cột điện trên đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa bị đổ. (Ảnh: Việt Hùng/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung khắc phục nhanh sự cố đổ cột điện trên đường dây 500kV Hiệp Hòa-Quảng Ninh (trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), bảo đảm truyền tải và cung cấp điện an toàn, ổn định; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cung cấp điện trong thời gian khắc phục sự cố; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, chất lượng các công trình đường dây nói chung và đặc biệt là công trình đường dây 500 kV, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy trong mùa mưa bão.

Liên quan đến việc khắc phục sự cố đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa, chiều ngày 25/4, ông Nguyễn Tuấn Tùng-Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cho biết, Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 đang tiến hành làm 3 ca liên tục để khắc phục sự cố đổ cột 500kV đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa.

Theo đó, ngày 7/5, đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa sẽ trở lại vận hành bình thường.

EVN NPT cho rằng, đây là công trình cấp quốc gia phải duy trì việc cung ứng điện thường xuyên, đảm bảo an ninh năng lượng, nên Tổng công ty đã chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành là Công ty Truyền tải điện 1 và đơn vị thi công sửa chữa nhanh; đồng thời làm cả ngày đêm để sớm đưa công trình vào vận hành.

Về vấn đề đảm bảo cung cấp điện trong thời gian sự cố xảy ra, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng, sự cố đổ cột số 199 trên đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa không gây mất điện cho khách hàng do hệ thống các đường dây truyền tải khác trong khu vực vẫn vận hành bình thường.

Hiện EVN NPT vẫn đảm bảo truyền tải và cung cấp điện an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng phân tích, việc giải tỏa công suất các nhà máy trong cụm nhiệt điện khu vực Đông Bắc lên hệ thống điện quốc gia hiện có 3 đường dây 500kV là Quảng Ninh-Hiệp Hòa; Quảng Ninh-Phố Nối và Quảng Ninh-Thường Tín cùng một loạt hệ thống đường dây 220kV Quảng Ninh đi Hoành Bồ, Sơn Động, Tràng Bạch, Hải Dương, Đồng Hòa, Phả Lại.

Vì vậy, khi sự cố đổ cột số 199 trên đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa xảy ra, hai đường dây 500kV còn lại và một loạt các đường dây 220kV nói trên vẫn truyền tải an toàn công suất các nhà máy nhiệt điện trong khu vực.

Trong đó, mỗi đường dây 500kV trên tại thời điểm hiện tại có khả năng truyền tải an toàn đến 1000MW.

Trong 4 ngày xảy ra sự cố, công suất cao nhất truyền tải trên đường dây 500kV Quảng Ninh-Phố Nối là 790MW và Quảng Ninh-Thường Tín là 782MW (vào ngày 24/4).

Cũng trong ngày 25/4, tại Văn bản số 729/BXD-GD, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc kiểm tra thiết kế và công tác thẩm định thiết kế, thi công xây dựng và công tác kiểm tra nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình đường dây truyền tải điện 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa.

Bộ này cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình theo quy định.

Trước đó, vào lúc 7 giờ 05 phút ngày 22/4, một trận giông lốc kèm theo mưa lớn đã làm gục xà cột số 200 và đổ cột số 199 trên đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa, thuộc địa phận xã Cảnh Thụy và Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, gây sự cố đường dây.

Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân.

Dự án đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư, đây là tuyến đường dây 500 kV mạch kép (2 mạch) có chiều dài 139 km từ Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh đến Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục