Phó Thủ tướng Đức thăm Iran nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel trở thành quan chức cấp cao Phương Tây đầu tiên thăm quốc gia này kể từ khi Tehran và các cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Phó Thủ tướng Đức thăm Iran nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế ảnh 1Ông Sigmar Gabriel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Sigmar Gabriel ngày 19/7 đã bay tới Iran, trở thành quan chức cấp cao Phương Tây đầu tiên thăm quốc gia này kể từ khi Tehran và các cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Trong chuyến thăm kéo dài ba ngày, được tháp tùng bởi một phái đoàn gồm đại diện đến từ các công ty, tập đoàn công nghiệp và giới khoa học này, Phó Thủ tướng Đức Gabriel sẽ hội đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng nhiều bộ trưởng nước chủ nhà về thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt đạt được ngày 14/7 vừa qua.

Ông Gabriel khẳng định thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã tạo dựng nền tảng cho việc bình thường hóa quan hệ kinh tế với Tehran với điều kiện các bên nghiêm túc thực hiện các điều khoản đã cam kết.

Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức Eric Schweitzer, một thành viên trong đoàn, đánh giá chuyến thăm này là "một tín hiệu khích lệ" cho các công ty muốn hợp tác làm ăn với Iran. Ông Schweitzer kêu gọi bảo đảm về pháp lý cho các doanh nghiệp Đức sắp đầu tư vào Iran trong trường hợp Tehran vi phạm thỏa thuận và một lệnh cấm vận thương mại bị áp đặt trở lại.

Đức và Iran từng có quan hệ trao đổi thương mại khăng khít song bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Phương Tây. Theo thống kê, thương mại hai chiều trong năm 2014 là 2,6 tỷ USD, giảm mạnh so với 8,6 tỷ USD trong giai đoạn 2003-2004. Ông Schweitzer dự đoán con số này có thể tăng gấp bốn lần lên tới 10,8 tỷ USD trong vòng 2-3 năm tới.

Ngày 14/7 vừa qua, sau 13 năm đàm phán dai dẳng, Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng về hồ sơ hạt nhân của Tehran, theo đó, Iran sẽ thu hẹp chương trình làm giàu urani đổi lại những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với nước này sẽ từng bước được dỡ bỏ, có thể “sớm nhất từ đầu năm 2016”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục