Phó Thủ tướng: Giáo viên không gương mẫu, mọi bài giảng đều vô nghĩa

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đạo đức học sinh đang là vấn đề xã hội bức xúc, nhưng nếu thầy cô không gương mẫu thì dù có tuyên truyền thế nào đi chăng nữa, ảnh hưởng với học sinh cũng vô tác dụng.
Phó Thủ tướng: Giáo viên không gương mẫu, mọi bài giảng đều vô nghĩa ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Ngành giáo dục phải thực sự vì học sinh, muốn dạy học sinh về đạo đức thì trước tiên giáo viên phải gương mẫu, đổi mới giáo dục từ những điều nhỏ nhặt, cụ thể. “Có điểm chắc chắn là nếu thầy cô không gương mẫu thì dù có tuyên truyền thế nào đi chăng nữa, ảnh hưởng với học sinh cũng vô tác dụng.”

Đó là những phát biểu tâm huyết của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2015-2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 12/8.

Thầy cô phải làm gương

Đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học qua với những đổi mới bước đầu đã đi đúng hướng, Phó Thủ tướng cũng đi sâu làm rõ những hạn chế của ngành.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những hạn chế còn tồn tại là tình trạng dạy thêm học thêm, việc vệ sinh ở một số trường chưa tốt, việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho các em còn thiếu.

Phó Thủ tướng cho rằng ông cảm thấy mừng khi Bộ đã nhận ra điều này, và đã nhận ra thì phải làm.

Khẳng định đây cũng là vấn đề đang khiến dư luận bức xúc, Phó Thủ tướng cho rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phải thực hiện từ nhỏ và có trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó giáo dục có phần quan trọng.

“Có điểm chắc chắn nếu thầy giáo không gương mẫu thì dù tuyên truyền thế nào đi chăng nữa, ảnh hưởng đối với học sinh cũng vô tác dụng,” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ thầy cô dạy học sinh phải gọn g​àng sạch sẽ nhưng ở trường vệ sinh không sạch, mạng nhện chỉ sạch chỗ dễ nhìn thấy còn ở góc khuất lại lấp rác thì bài học về sự sạch sẽ không thể vào đầu học sinh.

Hoặc câu chuyện dạy thêm học thêm, thầy cô dạy học sinh phải tôn trọng pháp luật, trong khi quy định của Bộ cấm nhưng giáo viên cứ làm, chưa kể các tiêu cực khác. Như thế thầy cô không thể giáo dục được học trò về sự trung thực, tôn trọng pháp luật.

“Không có cách nào khác, nếu ngành giáo dục không phát động được phong trào thi đua làm theo lời Bác dạy, chưa nói với tư cách người thầy, chỉ với tư cách của người công chức viên chức, thì làm sao nói giáo dục đạo đức trẻ em,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng: Giáo viên không gương mẫu, mọi bài giảng đều vô nghĩa ảnh 2Nếu giáo viên không gương mẫu thì mọi bài học đều không thể thấm vào học sinh. (Ảnh: TTXVN)

Giáo dục lối sống, kỹ năng từ những điều cụ thể

Về vấn đề giáo dục đạo dức, lối sống, kỹ năng sống còn thiếu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành giáo dục cần dạy học sinh từ những câu chuyện nhỏ, những điều rất con người và cụ thể.

Chẳng hạn như giáo dục thể chất, hiện học sinh bị cận thị và thể trạng thấp còi nhiều. Trước đây, có hoạt động thể dục đầu giờ và giữa giờ, nhưng hiện nay các hoạt động này đã bị cắt. Phó Thủ tướng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu khôi phục lại.

Hoặc giáo dục về tình yêu Tổ quốc, một vấn đề tưởng rất xa vời với học sinh nhỏ, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, trước đây, mỗi khi học thể dục xong học sinh đều hô  "Rèn luyện thân thể bảo vệ Tổ quốc, rèn luyện sức khỏe thống nhất đất nước” và những bài học yêu nước ấy rất cụ thể, thấm vào học sinh từ rất nhỏ.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thể dạy học sinh tinh thần dân tộc, tình yêu nước bằng việc giới thiệu những nét đẹp, truyền thống của quê hương.

Phó Thủ tướng cho rằng có một điều quan trọng mà ngành giáo dục nói được, nhưng khi làm chưa được, đó là “tất cả vì học sinh thân yêu." Một ví dụ tiêu biểu như lễ khai giảng đúng ra phải là ngày hội của các em nhưng lại hoàn toàn hình thức và vì nhà trường, vì người lớn.

Ông cũng yêu cầu ngành giáo dục trong năm học tới cần có những bước tiến để khắc phục các hạn chế còn tồn tại, nhất là những điểm hoàn toàn phụ thuộc vào ngành. Các điểm đó là giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh; tình trạng dạy thêm học thêm; việc triển khai thực hiện đổi mới đánh giá ở học sinh tiểu học theo Thông tư 30./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục