Phó Thủ tướng: Không để các xã “chạy” vào danh mục xã khó khăn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải đưa chương trình giảm nghèo phải đi vào thực chất hơn, vinh danh các tấm gương thoát nghèo, không để các xã “chạy” vào danh mục xã khó khăn.
Phó Thủ tướng: Không để các xã “chạy” vào danh mục xã khó khăn ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 18/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã họp sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng điều q uan trọng là phải hoàn thành khung khổ thể chế cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ. 5 năm tới, chương trình giảm nghèo phải đi vào thực chất hơn, thay đổi nội dung và cách làm với mục tiêu cao hơn để góp phần phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo rà soát danh mục các huyện, xã nghèo; rà soát chính sách đảm bảo thận trọng cả chính sách đã có và ban hành chính sách mới. Một số nơi vẫn phải có chính sách cấp không nhưng phải căn cơ, cụ thể, giảm bớt phần của Nhà nước càng nhiều càng tốt, huy động nguồn lực xã hội và ý chí vươn lên của người dân. Không bao cấp tràn lan để triệt tiêu động lực của người dân. Một số đối tượng, lĩnh vực, địa bàn cũng cần có tính toán kỹ càng, muốn xóa bỏ chính sách cấp không phải giáo dục, tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ khác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tích hợp các chương trình, giảm bớt số lượng văn bản. Cần thiết có thể ban hành một văn bản sửa cho nhiều văn bản, thay đổi theo hướng phát huy ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân, làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, tôn vinh, vinh danh các tấm gương thoát nghèo, không để các xã “chạy” vào danh mục xã khó khăn. Tới đây, cần có chính sách hỗ trợ thêm tín dụng thương mại để hỗ trợ các chương trình này với lãi suất hấp dẫn, ưu đãi, thủ tục thuận tiện hơn.

Các chính sách làm sao tác động vào các hộ nông trại, gia trại, trang trại, doanh nghiệp là những cánh chim đầu đàn có khát vọng vươn lên, biết cách làm ăn, tạo việc làm cho lao động, tạo điều kiện cho người khác làm ăn, đó mới là những cái căn cơ – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo ở Trung ương và các địa phương, có bộ phận chuyên quản theo dõi lĩnh vực theo tinh thần cơ cấu lại trong số hiện có, cương quyết không tăng biên chế, không tạo tầng nấc trung gian, không làm chậm công việc. Đồng thời, xây dựng khung khổ thi đua cho chương trình mục tiêu giảm nghèo với các hoạt động thiết thực, huy động toàn bộ cộng đồng dân cư trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm chăm lo cho người nghèo, tăng cường công tác truyền thông, làm cẩm nang truyền thông về giảm nghèo đa chiều.

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm trình bày cho thấy, các bộ, ngành đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách giảm nghèo theo lộ trình và tiến độ phù hợp với tình hình thực tế. Những chính sách hiện hành còn hiệu quả như y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất… tiếp tục được tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai, không ngừng giảm các thủ tục hành chính cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách đã ưu tiên thứ tự phân loại đối tượng, từng bước phân định rõ đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với một số nhóm, tăng dần chính sách cho vay có điều kiện.

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, báo cáo kết quả sơ bộ của các địa phương cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước là 15,1%, trong đó tỷ lệ nghèo là 9,88%, tỷ lệ cận nghèo là 5,22%. Các chính sách giảm nghèo tiếp tục được bố trí kinh phí và đã phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo. Sáu tháng đầu năm, ngân sách đã bố trí khoảng 6.800 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình; 4.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú và trường dân tộc bán trú…

Đến nay, hầu hết các địa phương đã phê duyệt kế hoạch và giao vốn cho các huyện, xã, sở ngành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2016 và tiến hành các thủ tục đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi; nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn… Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa thực hiện việc giao vốn cho các huyện, xã, sở ngành để thực hiện Chương trình năm 2016.

Thảo luận tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết kế lại các văn bản chính sách, hệ thống chính sách hiện quá nhiều và nhiều văn bản không thống nhất, cần tích hợp lại đầy đủ và thể hiện được tính đặc thù. Quan trọng nhất trong giảm nghèo bền vững là đặt người nghèo và cộng đồng nghèo làm chủ thể, trao quyền cho họ, Nhà nước không thể cho con cá, làm thay mãi được. Cách phân bổ nguồn lực hiện nay khiến hộ nghèo muốn mãi nghèo vì có nhiều quyền lợi.

Theo Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai, chuyển tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều sẽ khiến số hộ nghèo tăng lên. Bộ đang rà soát, tính toán để có kế hoạch phân bổ nguồn lực cho các địa phương.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng nên có chính sách giảm nghèo có thời hạn, tăng cường hỗ trợ sinh kế, sáng kiến kinh doanh. Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn, khi thay đổi sang chuẩn nghèo đa chiều, cần có tiêu chí xác định các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ủy ban Dân tộc đang gấp rút xây dựng bộ tiêu chí, trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 9/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục