Phó Thủ tướng: Không để thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặn

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương tập trung chăm lo đời sống cho dân không để dân thiếu đói, không có nước sinh hoạt do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
Phó Thủ tướng: Không để thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặn ảnh 1Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 17/2, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và lãnh đạo các địa phương trong vùng đã tích cực, chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng, nhận thức được vấn đề nghiêm trọng của tình trạng xâm nhập mặn hiện nay để có những giải pháp kịp thời và mạnh mẽ là hết sức quan trọng. Tình trạng mặn đến sớm, kéo dài và diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là do mưa ít, nắng nóng, lũ thượng nguồn không về.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước mắt phải chủ động giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất đặc biệt đảm bảo cuộc sống nhân dân nhất là đảm bảo nước uống; biện pháp ngắn hạn kịp thời nhưng đồng thời phải có lộ trình, bước đi dài hơi và chủ động, bình tĩnh. Cần chủ động phòng chống bằng nhiều giải pháp trong đó có các giải pháp quan hệ quốc tế như tập trung vốn ODA, tiếp tục đàm phán với các nước ở thượng nguồn sông Mekong đang sử dụng chung nguồn nước.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần chủ động sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả nhưng kịp thời, đặc biệt là huy động hệ thống chính trị vào cuộc với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Các bộ, ngành và địa phương cần triển khai các giải pháp chủ động phòng chống hạn mặn, thông tin dự báo và làm tốt công tác thông tin truyền thông cho nhân dân. Các địa phương tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình thực hiện các giải pháp phòng chống đảm bảo nhanh, hiệu quả và kịp thời.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Văn phòng Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trong đó ưu tiên kinh phí đầu tư các dự án cho vùng Nam Trung Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để phòng chống hạn, mặn. Các tỉnh, thành ủy cần có chỉ thị và nghị quyết về vấn đề này để chỉ đạo cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phòng chống hạn, mặn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhận thức đúng về sự nghiêm trọng của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, xem phòng chống thiên tai là ưu tiên hàng đầu để có sự chỉ đạo quyết liệt. Các địa phương cần tập trung chăm lo đời sống cho nhân dân với phương châm không để người dân thiếu đói, không có nước sinh hoạt và không để bùng phát dịch bệnh do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn như nạo vét kênh mương, theo dõi diễn biến nguồn nước xâm nhập mặn vận hành các công trình thủy lợi ngăn mặn, tranh thủ các thời điểm thuận lợi để lấy và trữ nước ngọt, đắp đập tạm thời để ngăn mặn, giữ nước ngọt trong vùng...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ ngay sau hội nghị này nhu cầu hỗ trợ kinh phí của các địa phương bị thiệt hại. Các bộ, ngành cũng cần có các biện pháp nghiên cứu bài bản lâu dài các biện pháp thích nghi, phù hợp với biến đổi khí hậu để có những biện pháp công trình và phi công trình một cách chủ động...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do diễn biến của khô hạn và thiếu nước ngọt nên mặn đã xuất hiện sớm hơn cùng kỳ hàng năm khoảng 2 tháng. Tại các khu vực sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu và các sông ven biển Tây, nồng độ mặn đã tăng cao hơn cùng kỳ đồng thời nước mặn cũng lấn sâu từ biển vào từ 50-60km, có nơi lên đến 93km như ở sông Vàm Cỏ, sâu hơn cùng kỳ từ 15-20km...

Đây là đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Do ảnh hưởng của mặn, đến nay tại tỉnh Kiên Giang đã có 57.899ha lúa vụ mùa 2015 bị ảnh hưởng, trong đó có 33.000ha bị thiệt hại. Tại vụ lúa thu đông 2015, diện tích lúa bị hạn, mặn là 32.000ha thuộc các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Trong vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển là 339.234ha, chiếm 35,5% diện tích xuống giống của các tỉnh vùng ven biển và chiếm 21,9% diện tích xuống giống của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng nặng là 104.000ha, chiếm 11% diện tích xuống giống các tỉnh vùng ven biển và 6,7% diện tích của toàn vùng.

Đối với sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả, nước mặn cũng đã gây thiệt hại cho diện tích bưởi da xanh, sầu riêng, xoài của tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng với nồng độ mặn khoảng 3 phần nghìn...

Tại hội nghị này, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đều nhận định là tình trạng xâm nhập mặn hiện rất nghiêm trọng và khả năng có thể sẽ còn diễn ra trong nhiều năm tới. Tình trạng khô hạn có thể dễ khắc phục nhưng đất bị nhiễm mặn thì sẽ gây thiệt hại đến hàng chục năm sau.

Các đại biểu cũng nêu các giải pháp phòng chống hạn, mặn... Nhiều địa phương như Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang... đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn hiệu quả, bước đầu đã giải quyết được một phần khó khăn cho người dân bị thiếu nước ngọt sử dụng.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án ngăn mặn lớn nằm ngoài khả năng của các địa phương đang đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn từ Trung ương để giúp người dân giữ ngọt, ngăn mặn phục vụ sản xuất bền vững và lâu dài.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục