Phó Thủ tướng kiểm tra khắc phục hậu quả bão lụt

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Phú Yên, Bình Định huy động toàn bộ lực lượng tìm kiếm người mất tích, không được để dân đói.
Sau khi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác cứu trợ tại các vùng bị lũ chia cắt tại Phú Yên, chiều 4/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động toàn bộ lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ ngay lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn cho người dân, không được để dân đói rét, chăm lo mai táng người chết.

Phó Thủ tướng yêu cầu nước rút đến đâu phải xử lý nước, làm vệ sinh môi trường tới đó; ngành y tế cung cấp đủ cơ số thuốc cho các địa phương nhằm ngăn chặn dịch bệnh sau lũ.

Phó Thủ tướng giao quân khu 5 huy động lực lượng phối hợp với địa phương giúp dân sớm ổn định đời sống; Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty bưu chính viễn thông huy động lực lượng để sớm khôi phục hệ thống điện và thông tin liên lạc.

Đến thời điểm hiện nay, số người chết do bão, lũ ở Phú Yên đã lên đến 69 người, 14 người mất tích. Có 413 nhà dân bị sập hoàn toàn, 5.542 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Hiện chưa thể đánh giá thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp vì nhiều vùng trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị chia cắt, phương tiện cứu hộ chưa tiếp cận được.

Tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương hỗ trợ 120.000 thùng mì tôm để cứu đói ngay cho dân và 4000 tấn gạo để cấp cho dân ngay sau khi lũ rút; hỗ trợ 200 cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 550 tỷ đồng để hỗ trợ những gia đình có người chết, bị thương, nhà sập hoàn toàn và hư hỏng nặng hơn 50%, đồng thời khôi phục lại cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lụt tại tỉnh Bình Định.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Bình Định báo cáo và các ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần nhận thức sâu sắc tình hình biến đổi khí hậu để có biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, tỉnh cần làm tốt công tác thông tin, tìm các phương tiện tiếp cận với những gia đình và địa phương còn đang bị chia cắt, tích cực tìm kiếm người bị mất tích, đẩy mạnh công tác cứu trợ không để cho người dân nào bị đói rét và nhanh chóng khôi phục lại nhà ở.

Tỉnh cần triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, nguồn nước sinh hoạt và tiếp tục huy động các lực lượng quân đội giúp khắc phục hậu quả sau lũ.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến sáng 4/11, tỉnh Bình Định đã có 13 người chết, 3 người mất tích, 15 người bị thương. Bão lụt đã làm 311 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 3.549 nhà khác bị hư hỏng và gần 42.000 nhà bị ngập. 148 phòng học bị hư hỏng và sập đổ, 5 trạm y tế bị hư hỏng nặng.

Về nông nghiệp, diện tích lúa bị hư hỏng trên 4.000 ha, trên 5 200 ha hoa màu bị hư hỏng và 900 tấn giống lúa bị trôi; 30.000 con trâu bò, 50.000 con lợn và 150.000 con gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi. 823 ha lâm nghiệp bị hư hỏng và hàng trăm km đường giao thông, thuỷ lợi bị cuốn trôi, hoặc sạt lở nặng; 18 tàu cá bị vỡ và 2 sà lan bị chìm; 101 cột điện bị gãy đổ.

Riêng thiệt hại tại khu công nghiệp Phú Tài Quy Nhơn khoảng 300 tỷ đồng, đưa tổng thiệt hại toàn tỉnh ước trên 887 tỷ đồng.

Để nhanh chóng khắc phục khó khăn về đời sống, sản xuất, tỉnh Bình Định đã kiến nghị Trung ương trước mắt hỗ trợ 50 tấn mì tôm, 5.000 tấn gạo, 15.000 bộ chăn mền, 3.000 bộ lọc nước và 2.000 tấn lúa giống; hỗ trợ về nhà dân sinh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, thuỷ lợi với kinh phí khoảng 115 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục