Tại Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp” do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức sáng ngày 9/10 tại Hà Nội.
Diễn đàn được tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, tập trung vào 2 chủ đề chính được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, thứ nhất là các vấn đề pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và các vấn đề pháp lý về thuế.
Nhận diện đúng và trúng vấn đề tồn tại
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh bày tỏ kỳ vọng, qua diễn đàn và với các phiên thảo luận từ nhiều diễn giả sẽ nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý.
Trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.
Tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần 1 luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024, là: “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu.”
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 là một hoạt động thiết thực mà Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương thực hiện để triển khai chủ trương nhất quán này. Qua đó, cụ thể hóa chủ trương đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển, gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước.
Đại diện ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Nguyễn Quốc Hiệp cho hay Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay, vướng mắc phổ biến nhất đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản hiện nay nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Theo đó, mỗi công trình, dự án thường là phải mất 310 ngày mới hoàn tất các thủ tục phê duyệt quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, vẫn có những dự án còn phải tới 14 năm mới triển khai xong khâu giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính. Pháp luật liên quan đến bất động sản rất phức tạp, hiện có khoảng 15 luật liên quan và chi phối lĩnh vực này.
Nhưng thực tiễn vẫn tồn tại tình trạng thiếu tính đồng bộ, thiếu sự thống nhất giữa các luật với nhau. Vừa qua, Chính phủ đã sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã góp phần hạn chế sự thiếu đồng bộ của quy định trước đây.
Tuy nhiên, việc tham vấn, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp - đối tượng chịu chi phối bởi luật vẫn còn rất hạn chế, chưa sát vấn đề thực tế.
Ông Hiệp bày tỏ rất mong các cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe nhiều hơn nữa để luật đi sâu thực tế.
Chia sẻ cụ thể về vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, ông Hiệp cho biết trong khâu giải phóng mặt bằng, cần tổ chức đối thoại với người dân mới có thể tiến hành cưỡng chế, khâu này khá tốn thời gian.
Thực tế cho thấy có những dự án hiện nay cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian.
Bày tỏ đồng tình, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng nếu sản xuất kinh doanh không tháo gỡ được sự “rườm rà” về thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải theo đuổi quy trình, giấy phép sẽ gặp phải rất nhiều rào cản.
Vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong Top 3 những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải.
Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều nội dung gặp khó, nhất là liên quan đến các dự án đầu tư nước ngoài. Vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết “bài toán” liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.
“Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình nên chúng ta nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch,” bà Thủy nhận định.
Từ thực tiễn nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian đồng thời nên có có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Liên quan tới nội dung này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, cho rằng đặc tính của các thủ tục hành chính là có thời hạn thực hiện, cơ quan đầu mối, nếu vượt quá thời hạn thực hiện thủ tục, cơ quan chủ trì thực hiện bước đó phải có trách nhiệm giải trình, pháp luật hiện nay đều có quy định về vấn đề này.
Các địa phương Top đầu về thu hút đầu tư đều có bước kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, cấp dưới chịu trách nhiệm giải trình nếu chậm, muộn.
Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, các thủ tục hành chính đều được phân cấp, quyền cho địa phương và có thể giám sát thực hiện thủ tục hành chính này.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Vừa qua, Bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách.
Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu.
Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động.
Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền. Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao…, Bộ đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc.
Phân cấp, phân quyền một cách thực chất
Nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh "đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế," Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng cần chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực.
Cần phân cấp, phân quyền một cách thực chất, đồng thời bảo đảm đủ khả năng cho những người, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc. Và việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật là một ví dụ cụ thể, là một trong nhiều việc phải làm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhiều hơn so với các kỳ họp trước. Trong đó, có các dự án luật được đề xuất theo phương án 1 luật sửa nhiều luật để giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc sống.
Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đòi hỏi tổng hợp nhiều yếu tố mà xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách chỉ là một yếu tố. Cần nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Xem xét có hành lang pháp lý để làm sao trong hoạt động công vụ, cán bộ, công chức yên tâm làm việc; truy trách nhiệm dựa trên nguyên tắc là có sự vụ lợi, cố ý và quan hệ nhân quả (giữa hành vi và hệ quả).
Đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn cũng là những yếu tố cần thiết trong quá trình vận hành nền công vụ. Đối với các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng mong muốn nghiêm túc tuân thủ pháp luật với văn hóa kinh doanh tốt./.
Khai mạc diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2024
Nội dung của Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2024 tập trung thảo luận hai vấn đề lớn là: Giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất.