Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đơn giản hóa thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tính toán lợi nhuận của phương án nhà nước đầu tư nguồn điện mới, làm cơ sở cho chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Điện mặt trời mái nhà gắn trên nhà xưởng tại địa bàn tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)
Điện mặt trời mái nhà gắn trên nhà xưởng tại địa bàn tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng trình tự lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo tinh thần đơn giản hóa tối đa thủ tục; quản lý chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện lắp đặt.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, sáng 19/6, tại Trụ sở Chính phủ.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị lưu trữ điện

Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 30 điều và 5 phụ lục; quy định một số nội dung chính như mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia; trình tự thực hiện và chế độ báo cáo...

Bộ Công Thương đã rà soát, báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý nội dung dự thảo Nghị định liên quan đến đơn vị phát điện năng lượng tái tạo mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, không giới hạn công suất; bổ sung trường hợp đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được khách hàng sử dụng điện lớn ủy quyền thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với các Tổng công ty Điện lực, ký hợp đồng dài hạn với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.

Dự thảo Nghị định làm rõ khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, không giới hạn là các khách hàng sản xuất; khái niệm mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, không giới hạn là các khách hàng sản xuất; chỉnh lý thẩm quyền chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định...

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm của ngành điện trong bảo đảm an toàn hệ thống khi cung cấp dịch vụ truyền tải qua lưới điện quốc gia giữa người bán và người mua điện tái tạo trực tiếp; theo dõi, cập nhật, đưa ra số liệu chính xác về khả năng truyền tải, phụ tải ở từng vùng và tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Trường hợp mua bán điện trực tiếp không truyền tải qua lưới điện quốc gia không đưa vào quy hoạch.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cần có quy định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị lưu trữ điện tại các nhà máy, trang trại điện mặt trời để trở thành nguồn điện nền được huy động với mức giá vào giờ cao điểm; hình thành cơ sở dữ liệu để xác định, công bố sản lượng điện tái tạo tiêu thụ của từng khách hàng, qua đó làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp; có chế tài cảnh báo, xử lý vi phạm liên quan đến mua bán điện trực tiếp như đăng ký, cập nhật số liệu, đấu nối… và thanh tra, kiểm tra theo cơ chế hậu kiểm.

Có phương án hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời áp mái

Về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán lên lưới điện quốc gia.

Điện mặt trời mái nhà được lắp đặt ở công trình xây dựng gồm: nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu; được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp, các ý kiến đã thảo luận về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định bảo đảm không trùng lặp với cơ chế mua bán điện trực tiếp; mở rộng nội hàm khái niệm "tự sản, tự tiêu" theo hướng cho phép người dân lắp điện mặt trời mái nhà được bán điện dư thừa lên lưới; giá bán điện mặt trời mái nhà từ hệ thống pin lưu trữ; giới hạn tỷ lệ dư thừa với hình thức điện "tự sản, tự tiêu" để chống trục lợi chính sách, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp; trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở công trình hiện hữu và công trình xây mới...

ttxvn_dien mat troi 2.jpg
Điện mặt trời áp mái ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Về dự thảo Nghị định này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…) cho người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục, Bộ Công Thương cần quy định lắp đặt điện mặt trời áp mái trên các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; tính toán giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn…

"Phải có hiệu quả kinh tế, người dân mới lắp đặt điện mặt trời mái nhà, còn nhà nước có thêm nguồn điện huy động bảo đảm an ninh năng lượng," Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tính toán lợi nhuận của phương án nhà nước đầu tư nguồn điện mới, làm cơ sở cho chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành quy chuẩn về năng lượng sạch, lắp đặt điện mặt trời mái nhà kèm hệ thống pin lưu trữ để chuyển thành nguồn điện nền khi cấp phép đầu tư xây dựng công trình dân dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục