Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ trao giải Cuộc thi khởi nghiệp năm 2020

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hy vọng thông qua Cuộc thi, tinh thần khởi nghiệp sẽ được lan sâu rộng cả nước, có thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ trao giải Cuộc thi khởi nghiệp năm 2020 ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ trao giải. (Ảnh: VGP)

Chiều 13/10, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trao giải Cuộc thi khởi nghiệp năm 2020 với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo-Kết nối thành công.”

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ Elisa Fernandez đã tham dự chương trình.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt được trong việc hỗ trợ, đồng hành, chăm lo, truyền cảm hứng cho hội viên, phụ nữ, không chỉ những người có điều kiện mà cả đối tượng phụ nữ yếu thế.

Phó Thủ tướng mong muốn thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục có những hoạt động thiết thực, phong phú nhằm tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần vượt khó, làm giàu chính đáng cho bản thân và cộng đồng. Mỗi hội viên, phụ nữ cần tích cực học hỏi, tìm hiểu trong nhiều lĩnh vực, cùng quyết tâm khởi sự, khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hy vọng thông qua Cuộc thi, tinh thần khởi nghiệp sẽ được lan tỏa sâu rộng trong cả nước, có thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, trong bối cảnh đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Cuộc thi khởi nghiệp năm 2020 của Hội có nhiều điểm khác biệt so với những năm trước.

Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ nữ có khát khao khởi nghiệp, số lượng đề án gửi về dự thi cấp Trung ương cao hơn 1,2 lần so với năm 2019 và 1,9 lần so với năm 2018.

Tinh thần Quốc gia khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, thu hút được đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Trẻ nhất là các nữ sinh Phổ thông Trung học 17 tuổi, cao nhất là 74 tuổi; 4% tác giả đề án là nhà khoa học, giảng viên đại học, 11% là nữ doanh nghiệp, 16% là Ban Giám đốc các hợp tác xã, 54% nữ thuộc hộ kinh doanh cá thể. Điều rất đáng mừng là có 12% đề án đến từ vùng dân tộc thiểu số; 3% đề án có tác giả là phụ nữ khuyết tật.

Cuộc thi năm nay đề cao tính sáng tạo và kết nối. Các đề án được giải tại cấp vùng và toàn quốc đều là những đề án có sự kết nối giữa nhà khoa học với nông dân, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu thụ, giữa những người sản xuất trong mô hình kinh tế. Các đề án còn đảm bảo sản xuất sạch, xanh, an toàn, ứng dụng công nghệ để phát triển các sản phẩm OCOP; gắn kết với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đây cũng là lần đầu tiên cuộc thi được tối đa hóa việc ứng dụng công nghệ. Các clip giới thiệu do tác giả đề án xây dựng đã góp phần cho buổi thuyết trình thêm sinh động, hấp dẫn, giàu sức sáng tạo. Các thành viên Ban Giám khảo tham gia chấm đề án bằng hình thức kết nối trực tuyến không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài.

Đặc biệt, các video thuyết trình giới thiệu dự án được đưa lên trang fanpage Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thu hút được đông đảo sự tương tác và tham gia bình luận của cộng đồng với gần 817 nghìn người tiếp cận các clip đề án, số người theo dõi trang fanpage tăng 742%, 58.000 lượt bình luận, chia sẻ, like...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ trao giải Cuộc thi khởi nghiệp năm 2020 ảnh 2Nhiều chị em phụ nữ dân tộc ít người đã được tôn vinh tại cuộc thi. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Thông qua hoạt động này, phụ nữ làm kinh doanh tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm được cộng đồng mạng triển khai hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Qua 3 năm triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, cả nước đã có 46.825 ý tưởng, dự án, gửi về các cuộc thi khởi nghiệp và 38.415 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Đây được xem là bước đổi mới mang tính đột phá của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, tạo ra phong trào khát vọng khởi nghiệp, khát vọng cống hiến trong các tầng lớp phụ nữ.

Tổ chức Hội đã thực sự trở thành cầu nối, kết nối các nguồn lực của xã hội, hỗ trợ cho phụ nữ trên con đường kinh doanh khi góp phần tăng số doanh nghiệp được thành lập qua các năm, trong đó có 25% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Năm nay, lần đầu tiên trong hoạt động của Đề án, Triển lãm online “Vị giọt mồ hôi” nhằm quảng bá những tấm gương phụ nữ với nỗ lực phi thường trên con đường khởi nghiệp đã được truyền thông trên website của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và được kết nối vào website của nhiều tổ chức, hiệp hội quốc tế.

Tại lễ trao giải, 68 tác giả có dự án xuất sắc, đặc biệt là 23 dự án của phụ nữ khuyết tật, 10 dự án của nữ sinh viên đã được tôn vinh kèm giải thưởng trị giá hơn 8 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục