Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần khắc phục tình trạng vốn “mỏng”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ "đặt hàng” các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đề xuất các giải pháp tới đây để khắc phục tình trạng vốn “mỏng” theo thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần khắc phục tình trạng vốn “mỏng” ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, chuyên đề về vốn, tài chính ngày 21/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về tình trạng sức khỏe của các chủ thể tham gia thị trường vốn và và tình trạng vốn “mỏng” của các doanh nghiệp.

Làm rõ điểm nghẽn nhất trong thị trường vốn

Ba vấn đề Chính phủ đang quan tâm được Phó Thủ tướng gợi mở tại Diễn đàn. Đó là việc phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, áp dụng quản trị hiện đại, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Cùng với đó là tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, nhất là trong vấn đề thể chế để hoàn thiện và phát triển các loại thị trường gồm thị trường hàng hóa dịch vụ, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản, thị trường vốn và tài chính.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ coi việc ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động và quy mô kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn. Chính phủ luôn tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho mọi thành phần kinh tế, phấn đấu cắt giảm khoảng 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Hiện nay, mới có khoảng 20% thủ tục kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm.

Về vấn đề thị trường vốn và tài chính, Phó Thủ tướng bày tỏ quan tâm về chủ thể tham gia thị trường này. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2016, có đến 53% doanh nghiệp đang hoạt động không có lợi nhuận, chỉ 47% có lợi nhuận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi “Vì sao doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh thiếu khả quan như vậy, phải chăng do tình trạng vốn mỏng?”

Phó Thủ tướng cho rằng nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và các nguồn vốn huy động khác nên chi phí tài chính rất cao, cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt. Kể cả các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho nền kinh tế thì vốn chủ sở hữu cũng còn hạn chế.

Phó Thủ tướng “đặt hàng” các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đề xuất các giải pháp tới đây để khắc phục tình trạng vốn “mỏng” theo thông lệ quốc tế.

“Có tình trạng chi phí rất cần thiết cho hoạt động kinh doanh thì chúng ta khống chế, đó là chi phí quảng cáo, tiếp thị, chào hàng… nhưng chi phí tài chính lại không có giải pháp để ngăn chặn tình trạng vốn mỏng,” Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, các chủ thể tham gia thị trường phải lành mạnh, kể cả đối tượng tiếp nhận vốn và quản lý vốn.

Nói về việc đánh giá thực trạng thị trường hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm rõ điểm nghẽn nhất trong thị trường vốn hiện nay, tình trạng cơ cấu của thị trường mất cân đối chỗ nào.

"Phải chăng là mất cân đối giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn, trong hoạt động tín dụng còn mất cân đối giữa tỷ trọng về tín dụng với các dịch vụ giá trị gia tăng? Nhiều ngân hàng thương mại chủ yếu là dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng. Gánh nặng của huy động vốn của nền kinh tế phải chăng ngân hàng đang gánh quá sức," Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo Phó Thủ tướng, thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh. Mục tiêu đến năm 2020, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán là 70% GDP nhưng đến đầu năm 2018 đã vượt xa mục tiêu này. Tuy nhiên, còn mất cân đối giữa thị trường vốn do chứng khoán cung cấp với thị trường do các ngân hàng thương mại cung cấp, giữa thị trường ngắn hạn và thị trường trung, dài hạn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần khắc phục tình trạng vốn “mỏng” ảnh 2Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chỉ ra những bất cập trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng cần tái cơ cấu thị trường trái phiếu Chính phủ, giải quyết bất cập về cân đối thị trường vốn, mối quan hệ giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng đặt vấn đề phát triển thị trường theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, bao gồm cả vấn đề quy mô, trình độ, cơ cấu của thị trường và kết nối thị trường Việt Nam với thị trường khu vực, thế giới. Cần giải quyết cho được những bất cập trong cung cấp vốn, các giải pháp cần đẩy mạnh trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường năng lực hấp thu của các chủ thể tham gia thị trường, củng cố khả năng va đập của hệ thống tài chính, ngân hàng trong bối cảnh khu vực và thế giới còn có biến động.

Cùng với đó, cần có giải pháp xây dựng một hệ sinh thái cho thị trường vốn và tài chính trong thời kỳ công nghiệp 4.0; giải pháp tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống thị trường, đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, bền vững, để các chủ thể hoạt động bình đẳng, minh bạch, ngăn chặn tình trạng gian lận, tín dụng đen.

Khắc phục việc đưa ra quá nhiều báo cáo tài chính làm cho giá trị sử dụng của các báo cáo kiểm toán hạn chế, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thị trường vốn, tài chính còn gặp nhiều thách thức

Ông Don Lam, Phó Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đánh giá sự phát triển thị trường vốn, tài chính Việt Nam thời gian qua có khởi sắc nhưng vẫn gặp những thách thức.

"Một trong vấn đề thị trường vốn cần lưu tâm là huy động vốn nội địa, sử dụng hiệu quả cho những dự án đầu tư. Để làm được điều này cần nỗ lực các doanh nghiệp và Nhà nước. Làm thế nào sử dụng vốn dài hạn là một trong những mục tiêu mà chúng ta phải theo đuổi," ông nói.

Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu, Công ty Cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), vấn đề Việt Nam gặp phải là sự thiếu vốn dài hạn. Quỹ hỗ trợ vốn dài hạn là một trong những giải pháp để các ngân hàng giải quyết tình trạng vốn mỏng, đồng thời cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn. Đó là những khoản vay thế chấp dài hạn, trong thời gian 30-40 năm.

“Trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng dược khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân - công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng đóng vai trò quan trọng," ông Fiachra Mac Cana nhận định.

[Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tài trợ khởi nghiệp sáng tạo]

Theo ông, những người chưa có cơ hội tham gia vào thị trường nhà ở, bất động sản, khi có nguồn vốn, họ có thể tham gia. Vì vậy, cần đào tạo cho lực lượng lao động Việt Nam trong 15-20 năm nữa sẽ được tiếp cận nguồn vốn dài hạn. Chính phủ cần sửa đổi Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp và một kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi từ Thái Lan đó là phát triển quỹ hưu trí tư nhân, để nâng nguồn vốn dài hạn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để thành lập và vận hành quỹ tư nhân này thành công cần thời gian dài, có thể phải 20-30 năm.

"Ngay bây giờ, chúng ta thực hiện những sáng kiến này thì con cháu chúng ta khoảng 20-30 năm nữa sẽ được hưởng thành quả," ông Fiachra Mac Cana nói. 

Tổng kết diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tăng vai trò của thể chế phi ngân hàng, giải quyết tốt thị trường vốn và thị trường tiền tệ và một trong những điều kiện quan trọng để giải quyết vấn đề này là áp dụng các công cụ, gỡ được áp lực về mặt tỷ giá, lãi suất biến động.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm hưu trí tự nguyện, thị trường chứng khoán phải phát triển cả ở thị trường cơ sở, Chính phủ cần có biện pháp phát triển thị trường này.

Quá trình tái cấu trúc thị trường vốn tài chính cần gắn chặt với quá trình chuyển mình của nền kinh tế. Chính phủ cần tạo điều kiện cho thị trường phát triển rồi mới đặt vấn đề quản lý nó, Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, điều quan trọng lúc này là cần có nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tổ chức, không cần phân biệt là tư nhân hay quỹ đầu tư lớn. Cần thiết phải có hệ thống quản trị tốt, tăng cường giám sát đồng thời siết chặt lại thị trường theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thị trường một cách ổn định, có tổ chức và nâng cao hoạt động của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục