Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nghi án nhận hối lộ đường sắt

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ thông tin đưa hối lộ 80 triệu yen cho lãnh đạo ngành đường sắt.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nghi án nhận hối lộ đường sắt ảnh 1Chính phủ và các ban ngành chức năng yêu cầu làm rõ thông tin về nghi án nhận hối lộ ngành đường sắt. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến nghi án ngành đường sắt nhận hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16 tỷ đồng), chiều 24/3, Văn phòng Chính phủ đã phát Thông báo số 1940/VPCP-V1 về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về làm rõ thông tin đưa hối lộ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải).

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ thông tin đưa hối lộ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về việc Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản khai báo đưa hối lộ cho cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, công luận báo chí đưa tin Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản đã khai báo với Văn phòng Công tố Tokyo (Nhật Bản) việc đưa hối lộ 80 triệu yen cho cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để có được hợp đồng tư vấn thiết kế dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản tại Hà Nội.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã triệu tập cuộc họp khẩn vào chiều 23/3 để xử lý vụ việc.

Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ sẽ kiên quyết, khẩn trương kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai bởi điều này sẽ góp phần củng cố thêm mối hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay đồng thời cũng khẳng định quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và yêu cầu của nhân dân về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cá nhân có liên quan đến dự án (kể cả những người đã chuyển công tác), tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm trong thời gian tham gia tại dự án.

“Ngay cả với các cán bộ nghỉ hưu có liên quan đến dự án này cũng phải giải trình. Tất cả các cá nhân có báo cáo hoàn thành trước ngày 31/3 tới đây,” Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo./.

Ngay trong ngày hôm nay (24/3), thêm ba quan chức ngành đường sắt đã bị đình chỉ để điều tra, giải trình làm rõ vụ việc.

Hai Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là ông Ngô Anh Tảo đang đảm đương chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường sắt của Đường sắt Việt Nam và ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng giám đốc đã từng có thời gian phụ trách Ban Quản lý này bị tạm dừng công tác 10 ngày.

Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa ra quyết định tạm dừng chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đối với ông Trần Văn Lục từ ngày 24/3 đến ngày 7/4. Trước đó, ông Lục đã giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Đường sắt Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục