Phó Thủ tướng yêu cầu quyết liệt xử lý nạn gian lận bảo hiểm

Hàng nghìn dịch vụ y tế và hàng vạn tên thuốc theo tiếng Latin khiến hóa đơn tính tiền bảo hiểm, nếu không có chuyên môn thì ngành công an, kiểm toán cũng khó biết là gian lận.
Phó Thủ tướng yêu cầu quyết liệt xử lý nạn gian lận bảo hiểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hàng nghìn dịch vụ y tế và hàng vạn tên thuốc theo tiếng Latin khiến hóa đơn tính tiền bảo hiểm, nếu không có chuyên môn thì ngành công an, kiểm toán cũng khó biết là gian lận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu lên thực tế này trong phiên họp Chính phủ trực tuyến ngày 29/12 khi nói về vấn đề theo ông là phải phải làm quyết liệt từ năm 2017.

Theo Phó Thủ tướng, hiện có 23.000 loại thuốc có tên theo tiếng Latin và hơn 16.000 dịch vụ y tế. Bởi vậy, hóa đơn tính tiền bảo hiểm theo Phó Thủ tướng nếu không có chuyên môn thì khó biết là gian lận.

Phó Thủ tướng thống kê, năm qua, cả nước đã chi 50.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm và con số này có thể lên tới 70.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Theo Phó Thủ tướng, với số tiền trên, nếu chỉ tránh thất thoát 1% đã có thể tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.

Phó Thủ tướng thẳng thắn, một số nơi, các bệnh viện không muốn đẩy nhanh quá trình tin học hóa. Ông đề nghị các đơn vị kiên quyết chỉ đạo thực hiện. “Ai không làm, tôi nói thẳng là có biểu hiện tiêu cực,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét.

Đây là vấn đề Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm quyết liệt vì tiền bảo hiểm chính là tiền của người dân. Ông khẳng định: “Muốn chống tiêu cực thì có nhiều việc nhưng đây là việc cụ thể.”

Cũng về năm 2017, Phó Thủ tướng dành nhiều thời gian nói về việc đổi mới y tế cơ sở. Đây là vấn đề theo ông là chưa được chú ý nhiều, người không muốn về công tác vì lo “tay nghề anh em đi xuống.”

Bài toán ông đặt ra với cơ quan chức năng là đổi mới căn bản tài chính.

“Mỗi trạm y tế xã có 5 biên chế, trung bình 5.000 người dân một xã, 1 năm ta có 3,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Chỉ cần chi 10% tiền bảo hiểm thì đã được hơn 300 triệu đồng. Sau khi trừ tiền thuốc thì thu nhập của 5 người cũng tăng gấp rưỡi,” Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Một trong những việc theo Phó Thủ tướng cần làm đầu tiên là giao y tế cơ sở lập toàn bộ hồ sơ theo dõi sức khỏe của người dân địa bàn.

Việc này theo Phó Thủ tướng là không mới nhưng phải sửa lại những vấn đề đã nhãng đi các năm qua. Theo Phó Thủ tướng, về tài chính thì có thể đảm bảo được vấn đề trên, riêng với chuyên môn, ông đề nghị các đơn vị chỉ đạo sát để xử lý.

“Việc này vô cùng quan trọng,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục