Phố Wall biến động trái chiều, S&P 500 đi lên phiên thứ 2 liên tiếp

Mặc dù Phố Wall đã thu hẹp đà tăng vào cuối phiên do xuất hiện những thông tin làm dấy lên hoài nghi về thời gian gói kích thích trên có thể được thông qua.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chứng khoán Phố Wall biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 25/3, sau khi Thượng viện Mỹ và Nhà Trắng đã nhất trí về gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này và hàng triệu người dân gặp khăn do các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Mặc dù Phố Wall đã thu hẹp đà tăng vào cuối phiên do xuất hiện những thông tin làm dấy lên hoài nghi về thời gian gói kích thích trên có thể được thông qua, song chỉ số S&P 500 và chỉ số Dow Jones vẫn lần lượt tăng hơn 1% và 2%.

Theo quy định, Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ cần phải thông qua gói cứu trợ này trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn.

Theo ông McConnell, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu biểu quyết thông qua gói cứu trợ này vào cuối ngày 25/3 (giờ địa phương).

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,4%, lên 21.200,55 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 1,2%, lên 2.475,56 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq  Composite lại hạ 0,5%, xuống 7.384,30 điểm.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu của hãng chế tạo máy bay Boeing tăng mạnh 2,4% trong phiên này, nâng tổng mức tăng của giá cổ phiếu này trong ba phiên qua lên gần 70%, do giới đầu tư đang kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ dành cho ngành hàng không vũ trụ giữa bối cảnh dịch bệnh khó khăn này.

Giá cổ phiếu của Boeing, vốn được coi là biểu tưởng cho sức mạnh của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ, đã mất hơn 50% kể từ giữa tháng Hai vừa qua.

Giá cổ phiếu của các hãng hàng không gồm American Airlines Group, United Airlines Holding và Delta Air Lines cũng đều tăng hơn 10%.

[Nhiều doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ để bình ổn]

Phiên 25/3 đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 12/2 vừa qua, chỉ số S&P 500 đi lên hai ngày liên tiếp.

Trong khi đó, ngay cả khi hạ điểm so với mức cao nhất xác lập trong phiên, đà tăng 14% của chỉ số Dow Jones trong hai phiên vừa qua là mức tăng trong hai phiên mạnh nhất kể từ năm 1987.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng lọt khởi sắc trong phiên này, nhờ lòng tin vào các biện pháp hỗ trợ kinh tế của các nước lớn, đi đầu là Đức nhằm ứng phó với dịch COVID-19.

Chính phủ Đức đã thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (khoảng 811,13 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua khủng hoảng dịch bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên  kể từ năm 2013, chính phủ Liên bang Đức phải gánh thêm một khoản nợ mới.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã kêu gọi các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) xem xét nghiêm túc vấn đề phát hành nợ chung một lần, được biết đến là "trái phiếu corona."

Khép lại phiên này, chỉ số EURO Stoxx 50 tăng 3,1%, lên 2.800,14 điểm. Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 4,5%, lên 5.688,20 điểm.

Tại Pháp và Đức, chỉ số CAC 40 và DAX 30 lần lượt tiến 4,5% và 1,8%, đóng cửa ở mức 4.432,30 điểm và 9.874,26 điểm.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, VN-Index tăng tới 31,04 điểm lên 690,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 270,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.894,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 301 mã tăng giá, 84 mã giảm giá, 39 mã đứng giá và 84 mã giảm giá.

HNX-Index tăng 3,14 điểm lên 100,09 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 48,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 430,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 96 mã tăng giá, 54 mã giảm giá và 55 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục