Phố Wall vẫn đi lên sau biến động nhân sự của Fed

Nối gót đà tăng điểm từ cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục "sắc xanh," sau khi ông Summers rút khỏi cuộc đua chức Chủ tịch Fed.
Nối gót đà tăng điểm từ cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi động tuần mới trong "sắc xanh," sau khi xuất hiện thông tin cho hay ông Lawrence Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ, đã rút khỏi cuộc chạy đua giành chức Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 118,72 điểm (0,77%), lên 15.494,78 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 9,61 điểm (0,57%), lên 1.697,60 điểm. Tuy nhiên, sự mất giá cổ phiếu của hai tập đoàn công nghệ lớn là Apple (-3,2%) và Facebook (-3%) đã kéo chỉ số Nasdaq giảm 4,33 điểm (0,12%), xuống 3.717,85 điểm.

Việc ông Summers rút khỏi danh sách chạy đua để trở thành người đứng đầu Fed sau nhiều tháng gây tranh cãi tại Thượng viện Mỹ đã khiến nhiều nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm, bởi ông vốn được biết đến là một người ủng hộ các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Hiện giới phân tích đang dự đoán rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều khả năng sẽ đề xuất việc đưa Phó Chủ tịch Fed Janet Yellen lên giữ chiếc ghế Chủ tịch Fed thay ông Ben Bernake vào cuối tháng 1/2014. Bên cạnh đó, sự đi lên của Phố Wall còn được hỗ trợ bởi thỏa thuận mà Mỹ đạt được với Nga cuối tuần trước có khả năng chấm dứt mối đe dọa từ kho vũ khí hóa học của Syria.

Cùng ngày, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi thỏa thuận trên, cho biết chương trình mà Mỹ và Nga đã nhất trí nhằm tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria sẽ được khởi động “trong vòng vài ngày tới.”

Tuy nhiên, đà tăng của thị trường đã bị ngăn chặn phần nào sau khi Tổng thống Obama mới đây tuyên bố sẽ không đàm phán với đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ công, bất chấp những cảnh báo về khả năng chính quyền liên bang có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nếu nợ công chạm trần 16.700 tỷ USD vào giữa tháng tới. Năm 2011, cuộc chiến trần nợ giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa đã đẩy nước Mỹ đến sát bờ vực vỡ nợ, gây ra những phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán, cũng như tài chính Mỹ.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau lên điểm, giữa bối cảnh những lo ngại về tình hình Syria đã dịu đi trông thấy và giới đầu tư đang đón chờ diễn biến cuộc họp chính sách sắp tới của Fed, dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/9 (giờ địa phương).

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,59%, lên 6.622,86 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tiến thêm 0,92%, lên 4.152,22 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 tăng 0,59%, đóng cửa ở mức 6.622,86 điểm.

Tới phiên giao dịch ngày 17/9 tại thị trường châu Á, thị trường chứng khoán cũng diễn biến ngược chiều nhau, giữa lúc dấy lên những hy vọng rằng Fed sẽ không nhanh chóng rút lại quy mô của chương trình kích thích kinh tế hiện hành.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 52,32 điểm (0,36%), lên 14.456,99 điểm. Tuy nhiên, hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong lại đua nhau mất điểm, do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra ồ ạt. Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt hạ 5,5 điểm và 5,29 điểm (0,24%), xuống 23.246,91 điểm và 2.226,11 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục