Phơi nhiễm HIV trong vụ tai nạn ở Kon Tum: 100% có kết quả âm tính

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum vừa có báo cáo chính thức về kết quả xét nghiệm cho những người bị phơi nhiễm sau vụ tai nạn giao thông ngày 30/6.
Phơi nhiễm HIV trong vụ tai nạn ở Kon Tum: 100% có kết quả âm tính ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Ngày 17/10, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết​ liên quan đến các y, bác sỹ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà (Kon Tum) và người dân bị phơi nhiễm HIV sau khi tham gia cấp cứu người bị tai nạn giao thông hôm 30/6, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum vừa có báo cáo chính thức về kết quả xét nghiệm cho những người bị phơi nhiễm sau 3 lần xét nghiệm: Xét nghiệm HIV trước 72 giờ, xét nghiệm HIV sau 1 tháng và xét nghiệm HIV sau 3 tháng.

Theo báo cáo, 35/36 người đều có kết quả âm tính với HIV sau cả 3 lần xét nghiệm; 1 trường hợp 2 lần đầu xét nghiệm có kết quả âm tính với HIV và người phơi nhiễm từ chối không xét nghiệm HIV lần 3.

Như vậy, đến thời điểm này, những người phơi nhiễm với HIV trong vụ cấp cứu tai nạn xe khách đã có thể yên tâm về tình trạng phơi nhiễm của mình.

Tuy nhiên, người bị phơi nhiễm vẫn cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác.

Sau 6 tháng xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm HIV có thể hoàn toàn chắc chắn rằng không bị lây nhiễm HIV.

Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh​ phơi nhiễm với HIV của những người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) có nguy cơ lây nhiễm HIV rất thấp.

[Vụ nghi phơi nhiễm HIV: Thêm 11 người phải dùng thuốc điều trị]

Nhiều báo cáo khoa học cũng đã chỉ ra, người nhiễm HIV được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ virus trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế), ít có khả năng lây truyền sang người khác.

Thuốc ARV điều trị HIV là an toàn với người sử dụng và có rất ít tác dụng phụ. Tuy vậy, một số người mới uống có thể có cảm giác mệt mỏi, xong triệu chứng này sẽ qua nhanh.

Vì thế, người bị phơi nhiễm không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ; trong trường hợp có các tác dụng phụ nặng cần đến ngay các cơ sở y tế và có thể đổi phác đồ điều trị.

Ðiều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong 28 ngày. Chính vì vậy, người bị phơi nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế để được đánh giá về tình trạng nhiễm HIV và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ đầu sau phơi nhiễm HIV.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục