Phòng chống "căn bệnh thế kỷ": Phấp phỏng nỗi lo thiếu hụt kinh phí

Theo ước tính của ngành y tế, khoảng trống, sự thiếu hụt kinh phí cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 vào khoảng 16.930 tỷ đồng.
Phòng chống "căn bệnh thế kỷ": Phấp phỏng nỗi lo thiếu hụt kinh phí ảnh 1Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm HIV cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

HIV/AIDS hiện vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong và là gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam.

Những năm qua, công tác phòng chống dịch HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành tựu khi đã giảm cả 3 tiêu chí: số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân chuyển sang AIDS và số tử vong do AIDS.

Tuy nhiên, thay vì được cấp phát thuốc kháng virus HIV điều trị miễn phí như trước, thời gian tới, các bệnh nhân nhiễm HIV đang đứng trước nguy cơ phải tự chi trả phần lớn chi phí điều trị do nguồn kinh phí viện trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm nghiêm trọng.

Lo lắng tiền thuốc

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh N.Đ.C (38 tuổi) ở Yên Phụ, Hà Nội cho hay, anh phát hiện nhiễm HIV đã 2 năm. Khi phát hiện tình trạng bệnh của anh đã chuyển sang giai đoạn AIDS, phải điều trị thuốc kháng virus (ARV) thường xuyên và sử dụng các thuốc dự phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Hàng tháng anh được cấp thuốc ARV trị giá khoảng gần 2 triệu đồng, cùng nhiều loại thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội khác. Anh C. được theo dõi, giám sát điều trị miễn phí tại phòng khám ngoại trú HIV gần nhà.

Do tình trạng hệ miễn dịch đã suy giảm trầm trọng nên bệnh nhân C. thường xuyên có bệnh nhiễm trùng cơ hội phải nhập viện.

Hiện nay, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có nhiều thuốc điều trị theo chương trình phòng chống HIV/AIDS được miễn phí. Ví dụ như thuốc kháng nấm loại Fluconazole có giá tới 150 ngàn đồng/viên hoặc Amphjotericin B tới gần 300 ngàn đồng/lọ.

Chị N.M.T (42 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) – người đã sống với bệnh HIV trong nhiều năm qua – tâm sự, nhờ việc được điều trị miễn phí bằng thuốc kháng virus đều đặn nên sức khỏe của chị vẫn được duy trì tốt.

Chị T. cho hay, cuộc sống và công việc hiện tại của chị khá ổn, nhưng sắp tới chị lo lắng khi biết các thông tin nhà tài trợ quốc tế đang chi trả phần lớn chi phí thuốc của chương trình điều trị miễn phí cho các bệnh nhân có HIV này sắp rút khỏi Việt Nam. Vì vậy, nguy cơ các bệnh nhân phải tự chi trả cho nguồn thuốc điều trị của mình trở thành mối bận tâm không hề nhỏ.

Tâm sự về hoàn cảnh của mình, chị T. giãi bày: “Nếu sau này người bệnh phải tự trả các nguồn kinh phí mua thuốc kháng virus thì tôi và gia đình cũng cố gắng có thể xoay sở để mua thuốc. Tuy nhiên, tôi không biết liệu mình còn giữ được sức khỏe và việc làm đến khi nào, mà việc điều trị thuốc kháng virus thì cần suốt đời. Đó còn chưa tính đến trường hợp nếu tôi phải chuyển sang điều trị phác đồ bậc 2 hay phải mua thuốc gốc thì chi phí điều trị còn cao hơn nhiều.”

Tâm trạng của anh C., chị T. cũng là nỗi lo lắng của hơn 200.000 người nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam đang cần được chăm sóc và điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm tại Việt Nam vẫn có khoảng 12.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện, có trên 2.000 người nhiễm HIV/AIDS tử vong.

Một nghiên cứu của Cục phòng, chống HIV/AIDS năm 2010 cho thấy chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân AIDS với phác đồ bậc 1 là khoảng 4-5 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, chi phí này sẽ tăng lên khoảng 6 lần nếu bệnh nhân phải chuyển sang điều trị bằng phác đồ bậc 2.

Chia sẻ về công tác điều trị cho các bệnh nhân có HIV/AIDS, phó giáo sư Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho hay, phòng khám ngoại trú điều trị cho bệnh nhân AIDS tại bệnh viện hiện nay đứng đầu miền Bắc. Tại bệnh viện mỗi năm có hơn 1.800 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV và theo dõi cho hơn 700 bệnh nhân đang được theo dõi đủ điều kiện sẽ được điều trị.

Tất cả các điều trị về thuốc ARV do dự án của các tổ chức nước ngoài tài trợ, còn các xét nghiệm khác bệnh nhân và bảo hiểm chi trả theo chế độ hiện hành.

Phòng chống "căn bệnh thế kỷ": Phấp phỏng nỗi lo thiếu hụt kinh phí ảnh 2Đóng gói thuốc ARV để cấp phát miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS. (Nguồn: TTXVN)

Thiếu hụt gần 17.000 tỷ đồng

Bàn về tài chính trong công tác phòng chống HIV, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đã đạt một số kết quả cơ bản như tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS là dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư, giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển từ HIV sang AIDS. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của công tác này là kinh phí.

Theo ông Đặng Thuần Phong, kinh phí dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm do Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình. Chính phủ cũng sẽ rút chương trình phòng chống HIV/ADIS và Phòng chống ma túy, mại dâm khỏi chương trình mục tiêu quốc gia. Ngân sách giảm nhưng chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS liên tục tăng sẽ tạo ra một áp lực rất lớn trong công tác phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, giai đoạn từ năm 2008-2012, tổng kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS đã được cam kết là 7.170 tỷ đồng, tương đương 358 triệu USD. Trong đó, ngân sách nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS là 853 tỷ đồng (chiếm 12% tổng kinh phí), ngân sách địa phương ước đạt 1.081 tỷ đồng (15%), quỹ bảo hiểm y tế chi trả 179 tỷ đồng (3%), người dân tự chi trả 1.572 tỷ đồng (22%), nguồn viện trợ quốc tế là 3.484 tỷ đồng (49%).

Hiện nay, nhiều nhà tài trợ đã dừng viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, như: Ngân hàng thế giới, Bộ Phát triển quốc tế thuộc Chính phủ Anh (kết thúc năm 2013), Chương trình phòng chống HIV/AIDS khu vực châu Á của Chính phủ Australia và Chính phủ Hoàng gia Hà Lan (kết thúc năm 2014)…

Theo Đề án bảo đảm tài chính hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế ước tính tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 là 26.882 tỷ đồng.

Theo ước tính trong đề án trên, hiện nay tổng kinh phí có thể huy động từ các nguồn viện trợ có trong giai đoạn trên 9.952 tỷ đồng (từ nguồn viện trợ quốc tế, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ngân sách địa phương có thể huy động được, từ bảo hiểm y tế và người dân tự chi trả).

Như vậy, số tiền trên mới chỉ đáp ứng được 37% tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động giai đoạn trên. Thêm vào đó, các nguồn kinh phí trên đều không chắc chắn, trong đó nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách nhà nước cũng phải tùy thuộc vào cân đối thu chi của Chính phủ và của chính quyền các địa phương.

Như vậy, khoảng trống, sự thiếu hụt kinh phí cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 vào khoảng 16.930 tỷ đồng.

Ông Prasada Rao - Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về phòng chống AIDS tại châu Á Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đứng thứ ba trong tổng số 10 nước thuộc khu vực Đông Nam Á có số người sống chung với HIV.

Đặc biệt, những ca mắc mới bệnh này vẫn không ngừng gia tăng qua các năm. Trung bình mỗi năm có thêm hơn 12.000 bệnh nhân mắc mới. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm tới gần 80%. Đây quả thực là một thách thức lớn đối với công tác phòng chống dịch bệnh./.

Bài 2:  Đối mặt với nguy cơ HIV/AID bùng phát mạnh trong cộng đồng

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục