Phòng chống tham nhũng tại địa phương

Năm 2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành chương trình giám sát đầu tiên về tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tại các địa phương phía Nam.

Năm 2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành chương trình giám sát đầu tiên về tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tại các địa phương phía Nam.
 
Dẫn đầu Đoàn Giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho biết chương trình lần này nhằm hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động của bộ máy chỉ đạo và các đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng tại các ngành và địa phương.
 
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những địa phương được chọn làm điểm để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí, chương trình tiến hành trong 2 ngày 7-8/4, tập trung giám sát việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý những hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng chống tham nhũng.
 
5 cơ quan chuyên trách gồm Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của địa phương. Các báo cáo đánh giá số liệu cũng như một số vụ án tham nhũng trong 2 năm (từ  /1/2007-31/12/2008) tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ được Đoàn xem xét cụ thể.
 
Chương trình giám sát cũng tập trung xem xét kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng như công khai, minh bạch hoạt động, cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý, minh bạch tài sản và thu nhập, xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử - đạo đức nghề nghiệp, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức viên chức, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, viên chức của 5 cơ quan này.
 
Những kiến nghị sơ bộ ban đầu của cơ quan Thanh tra và Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc phát hiện tham nhũng từ trong nội bộ vẫn là một trong những điểm yếu. “Cảnh sát giao thông tự phát hiện tham nhũng, nhận hối lộ rất ít, phần lớn vẫn do quần chúng và báo chí phát hiện, cung cấp thông tin” - Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Bình thừa nhận. Ông cũng cho rằng áp lực đối với bộ máy điều tra của công an hiện nay rất lớn do số lượng điều tra viên quá ít và việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, hối lộ cần phải được đặc biệt quan tâm.
 
Các kiến nghị của những cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng về tăng cường, phổ biến pháp luật phòng chống tham nhũng cho nhân dân, giáo dục giá trị tư tưởng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; góp ý về công tác chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra thi hành pháp luật về phòng chống tham nhũng, các giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành cũng sẽ được Đoàn tập hợp để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp sắp tới./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục