"Phong nhã tụng" - Chuỗi bi kịch một trí thức hèn

Gây xôn xao dư luận Trung Quốc, "Phong nhã tụng" đề cập chuyện không của riêng quốc gia nào - bản lĩnh, tài năng, nhân cách người trí thức.
Truyện là một chuỗi những sự kiện then chốt trên nhiều phương diện trong cuộc sống của một con người, từ đơn giản đến phức tạp.

Nhưng khác là mỗi sự kiện đều gắn liền với một bi kịch, và vì thế, bi kịch chồng chất bi kịch. Đó là chuỗi bi kịch của một trí thức trong xã hội Trung Quốc.

Từ bước vấp và "cái hèn" đầu tiên

Nhân vật trí thức tên Dương Khoa là một giảng viên - Phó giáo sư chuyên dạy “Kinh Thi” cho sinh viên của một trường Đại học danh tiếng ở Trung Quốc. Một trí thức đầy nhiệt huyết với nghề, say mê nghiên cứu và khao khát làm được  việc gì đó để mang về vinh dự cho bản thân, nhà trường và gia đình, trong đó, có việc lấy được hàm giáo sư.

Không đề cập đến bi kịch cuộc sống đơn giản hàng ngày, chuyện cơm áo gạo tiền thường gặp của các trí thức trong xã hội đương thời, bi kịch trong tác phẩm là của một trí thức bị bất lực trước sức mạnh của quyền lực, của học hàm học vị, bi kịch của một cuộc hôn nhân không trọn vẹn giữa hai trí thức.

Dương Khoa đã quyết tâm xa vợ, đến “mảnh đất riêng” của mình để nghiên cứu, cuối cùng công trình nghiên cứu của anh đã thành công với tác phẩm "Phong nhã chi tụng.”

Niềm vui, niềm hy vọng của anh bị vỡ vụn khi trở về chứng kiến Triệu Như Bình (vợ anh) cùng Lý Quảng Trí (hiệu trưởng nhà trường) ngay trên giường ngủ của vợ chồng anh.

Nếu như Dương Khoa là một người đàn ông trí thức có bản lĩnh thì vở kịch đó đã bị hạ màn, nhưng nhà trí thức Dương Khoa lại tạm lánh mặt để cho hai người mặc quần áo, sau đó đến quỳ trước mặt họ, van xin họ lần sau đừng làm thế.

...đến giảng viên cho bệnh nhân tâm thần


Khoa đã đứng ra cùng sinh viên tạo thành “bức tường người” kiên cố để chống bão cát. Việc làm tưởng như anh dũng này của Dương Khoa trên thực tế lại dẫn đến tai họa cho anh. Anh không đến được với hàm giáo sư mà còn bị viết bản kiểm điểm và bị đưa đi bệnh viện tâm thần.

Một con người tài giỏi như Dương Khoa lại bị coi là người thần kinh, “có vấn đề”. Ở bệnh viện, anh giảng giải Kinh Thi cho những trí thức có “vấn đề” an dưỡng tại đây.

Dương Khoa trốn bệnh viện trở về vùng quê có bàn thờ tổ tiên của dòng họ mình, vùng quê có tuổi thơ và người con gái Linh Trân đã từng hứa hôn với anh. Linh Trân đã có gia đình với bao biến thiên trong cuộc đời khi những người thân yêu – bố mẹ, chồng đều lần lượt ra đi và chính cô cũng đang mang bệnh nặng. Họ gặp nhau như hai người bạn dành cho nhau những tình cảm ưu ái, ngường mộ nhưng mỗi người lại chôn sâu trong lòng bí mật cuộc đời riêng.

...và phạm trọng tội

Bi kịch trở thành cao trào khi trí thức Dương Khoa bắt đầu tìm đến phố Thiên Đường nổi tiếng với những trò giải trí trụy lạc. Việc làm này của Dương Khoa giống như "liều thuốc" khiến Linh Trân tìm đến cái chết nhanh hơn.

Đám ma cũng chính là đám cưới của Dương Khoa với Linh Trân theo đúng nguyện vọng của Linh Trân. Anh bí mật tổ chức lễ cưới cho mình với bức ảnh của Tiểu Mẫn – con gái của Linh Trân trước ngày Tiểu Mẫn đi lấy chồng.

Dương Khoa như lạc vào mê cung tội lỗi. Khoa bí mật vào nhà Tiểu Mẫn và giết chết chồng của cô ngay trong đêm tân hôn. Không còn là bi kịch của một trí thức nữa mà chuyện đã trở thành bi kịch của một tội đồ cố tình phạm tội rồi bỏ trốn.

Dương Khoa trở về ngôi nhà  thời làm phó giáo sư của mình nhưng đã không còn gì.

Trong truyện có các số phận khác nhau nhưng họ lại cùng tồn tại trong một môi trường chung đó là ngôi trường Đại học Thanh Yên. Xã hội phát triển theo xu hướng hội nhập, thương mại hóa nên học hàm học vị cũng có xu hương thương mại bằng nhiều giải pháp.

Những người tỉnh táo, thức thời sẽ có sự nghiệp như ý, những người không biết tận dụng cơ hội sẽ luôn giậm chân tại chỗ thậm chí bế tắc.

Những trí thức cũng có lối sống như những người bình thường nhưng bi kịch của họ lại nhức nhối hơn, đau đớn hơn, bế tắc hơn. Người có tài nhưng không biết vận dụng hoàn cảnh cụ thể để khẳng định trình độ của mình sẽ rơi vào các bi kịch. Chuỗi bi kịch như không có hồi kết.

Tiểu thuyết “Phong nhã tụng” của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa, do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành đã và đang gây xôn xao dư luận ở Trung Quốc.

Song, thiết nghĩ những thách thức để khẳng định bản lĩnh, tài năng và nhân cách của người trí thức hiện nay không chỉ là chuyện của riêng quốc gia nào./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục