Phóng viên chiến trường Peter Arnett trở lại VN

Peter Arnett, một trong những phóng viên chiến tranh xuất sắc nhất của thế kỷ 20 và là người giành giải Pulitzer năm 1966 với loạt bài viết về Việt Nam đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 10/5.

Peter Arnett, một trong những phóng viên chiến tranh xuất sắc nhất của thế kỷ 20 và là người giành giải Pulitzer năm 1966 với loạt bài viết về Việt Nam đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 10/5.
 
Cùng đi với ông còn có Robert Wiener, đến Sài Gòn năm 1970 trong vai trò phóng viên tự do người Mỹ và sau này là phóng viên chiến trường nổi tiếng qua bài viết "Cuộc sống ở Baghdad."
 
Peter Arnett đã viết hơn 3.000 bài báo về chiến tranh Việt Nam trong vai trò phóng viên chiến trường nổi tiếng của CNN, AP tại miền Nam Việt Nam. Là người gốc New Zealand, Arnett lần đầu đặt chân đến Sài Gòn ngày 26/6/1962 và hoạt động tại đây suốt 13 năm, đến tận ngày 30/4/1975. Đêm đầu tiên tại Việt Nam, ông nghỉ tại khách sạn Caravelle và sau đó khách sạn này nổi tiếng là nơi trú ngụ của nhiều nhóm phóng viên nước ngoài.
 
Ngày 7/5, trong cuộc gặp gỡ với báo chí tại khách sạn Caravelle, Peter Arnett đã hồi tưởng nhiều về thời gian chiến tranh Việt Nam, kể về nhiều kỷ niệm vui buồn thời đó. Ông nói: "Cũng tại Việt Nam trong những năm tôi viết về chiến tranh từ 1962 đến 1975, tôi nhận ra rằng trong cuộc chiến hiện đại, người dân phải trải qua và chịu đựng đau khổ nhiều hơn cả những người lính, và vai trò của các phóng viên chiến trường chính là kể lại những câu chuyện này. Chính lòng tin này đã lôi kéo tôi trở lại Bátđa sau đó nhiều năm trong thập kỷ sau chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất năm 1991".
 
Hiện tại, Peter Arnett đang dạy ngành báo chí tại Đại học Shantou, Nam Hongkong. Ông kể lại: "Vào mùa hè năm 2007, tôi may mắn có dịp đưa một nhóm sinh viên Trường Đại học Shantou ở miền Nam Trung Quốc đến Việt Nam trong một chuyến thực tập và đây là một kỷ niệm rất đáng nhớ cho tất cả chúng tôi…". Ông cho biết trong đợt này, ông cùng sinh viên đã đi từ Bắc vào Nam, đã thăm "Nghĩa trang quân đội ở Trường Sơn, nơi có phần mộ của 10.000 liệt sĩ, phần lớn họ hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Mỹ."
 
Ông nói: "Phần lớn những người Việt Nam chúng tôi gặp ở miền Bắc đã nhanh chóng phá tan những nghi ngại của chúng tôi". Ông cũng đặc biệt ấn tượng khi gặp lại ở bảo tàng chứng tích chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh chân dung các phóng viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những người đã hi sinh khi đưa tin về các cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông xúc động: "Tàn dư cay đắng nhất của cuộc chiến tranh đã không làm lu mờ sự hiểu biết của Chính phủ Việt Nam về lòng can đảm và sự cống hiến của các phóng viên quốc tế, những người đã đấu tranh để nói lên sự thật về cuộc chiến và thậm chí hiến dâng cả mạng sống của mình để làm điều này".
 
Trong phần kết của mình, Peter Arnett nói: "Chuyến trở lại Việt Nam của tôi, đặc biệt cùng với các sinh viên, là một trong những hành trình tôi hài lòng nhất. Nó khép lại vòng tròn từ khi tôi đến đây lần đầu tiên với vai trò một phóng viên trong quốc gia bị chia cắt bởi chiến tranh này vào năm 1962; đến khi, từ tro tàn của cuộc chiến kéo dài, một đất nước độc lập với những con người độc lập đứng lên một cách đầy tự hào trong cộng đồng quốc tế".
 


Minh Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục