Phụ huynh “ngồi trên đống lửa” ngóng con vượt ải

Mặc kệ cơn mưa tầm tã sáng nay, ở nhiều điểm thi, hàng trăm phụ huynh vẫn chôn chân ngóng con vượt ải môn thi đầu tiên tốt đẹp.
Từ tờ mờ sáng, gia đình anh Nguyễn Văn Học (Thường Tín, Hà Nội) đã lục đục tỉnh dậy. Sau khi cơm nước tinh tươm, anh nổ máy, đèo cậu con trai “lai kinh” ứng thí.

Đoạn đường từ nhà lên điểm thi trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chỉ độ 30 phút, nhưng anh Học kể phải đi từ 5 giờ sáng. “Có mặt ở từ sớm để còn chuẩn bị tinh thần và cho mình được chủ động. Cứ tưởng mình sớm sủa, nhưng ra đến điểm thi cũng đã đông người,” anh nói.

Chỉ tay về phía cậu con đang ngồi trên ghế đá, cố “nhồi” thêm tí kiến thức vào đầu, anh bảo có “mỗi một mụn” nên cả nhà đặt niềm tin vào cậu.

6h30 sáng, khi thí sinh bước vào phòng thi, những phụ huynh như anh Học bắt đầu tìm chỗ để ngồi đợi. Trên gương mặt khắc khổ, già hơn cái tuổi 43 của mình, anh bảo rằng có khi “nó còn không lo bằng mình.”

Cả đời bới đất nhặt cỏ, làm thuê cho thiên hạ, người “phụ hồ” như anh chỉ mong con mình học hành thành đạt, tránh đi theo nghề nghiệp vất vả của bố mẹ. Không phụ đấng sinh thành, cậu con anh ngoan, học giỏi. Nhưng, có câu học tài thi phận, cả nhà anh Học vẫn ngay ngáy. Chuông điện thoại trên tay anh đổ liên hồi, vì chị vợ ở quê cũng “theo dõi.”

Đang dở chuyện, Học bỗng nhanh nhảu tạm biệt cậu phóng viên rồi ôm đầu chạy một mạch về phía mấy tán cây. Cơn mưa sầm sập đổ xuống chẳng báo trước làm cả đoạn đường Nguyễn Trãi chỉ một chốc đã trắng nước.

Phía cổng trường Đại học Giao thông Vận tải thời điểm 7 rưỡi sáng, cơn mưa tầm tã cũng khiến nhiều người được một phen ướt sũng. Khu vực nhà chờ xe buýt vốn mênh mông chỉ một thoáng đã chật ních người. Người ta còn chen nhau đứng cheo leo trên cầu vượt để tránh những giọt nước nặng trịch đua nhau đổ xuống.

Chị Nguyễn Thị Vĩnh (Bắc Giang) lại không vội vã như thế. Chiếc balô bạc màu chị mang theo đã có sẵn hai chiếc áo mưa. Đội thêm chiếc balô lên đầu, chị Vĩnh vẫn lẳng lặng đứng đợi con ở phía hàng rào sát cổng trường.

“Hai mẹ con đã hẹn nhau ở đây rồi. Nhỡ chạy đi trú mưa, người ta chen đứng mất chỗ thì lúc ra, con nó không tìm thấy mẹ lại lo,” chị Vĩnh cười khi khuôn mặt đã ướt đẫm.

Chỉ tay sang phía bên kia cổng trường, chị Vĩnh bảo, đâu phải một mình chị như thế. Hàng chục người khác cũng đang chống chọi với con mưa rát mặt bằng những áo mưa giấy mỏng tang.

“Mình chẳng lo nhưng cầu trời chốc nữa mưa ngớt. Hai mẹ con đi bộ tới đây. Cứ mưa thế này, chốc về thế nào con gái cũng ướt hết. Nhỡ may ốm ra đấy thì ân hận lắm,” người phụ nữ quê Bắc Giang nói.
 
Tại điểm thi Học viện Bưu chính Viễn thông, chị Nụ tất tả tay cầm túi băng đĩa, tay gói xôi đậu đang ăn dở, đưa con đến điểm thi.

Quê ở mãi Hà Tĩnh, chị Nụ cho con ra Hà Nội ôn thi được gần 6 tháng. Số là năm ngoái, cậu con trai chị thi trượt.

“Đầu tiên, cũng chỉ định đưa cháu ra, thuê phòng trọ rồi để cháu ở ngoài học hành. Nhưng sợ bạn bè cháu rủ rê chơi bời, bỏ bê việc nên tôi ở lại và cũng là để chăm sóc cho con,” chị  nói.

Ở Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ, trong khi nhà thì nghèo, chị Nụ bèn nghĩ cách kiếm sống. Đầu tiên, nhờ mối quen biết, chị xin làm giúp việc cho một cửa hàng phở trên phố Nguyễn Tuân. Được một thời gian, có người bạn chỉ cho cách “đi buôn,” chị bắt đầu tập tọe nện gót khắp phố phường Hà Nội để bán băng đĩa.

Chị kể, gần đến ngày thi không ngày nào là chồng chị không gọi điện ra hỏi thăm từ sức khỏe đến tình hình học tập của con. Trong khi đó, cậu con thì lúc nào cũng tự tin vào sức học của mình cho dù đã một năm “trượt vỏ chuối.”

“Đúng là kẻ trèo cây không lo bằng người dưới gốc,” chị tâm sự.

Chị cũng bảo, đưa con đến đây thi xong, chị lại tranh thủ quanh quẩn bán hàng. Đến giờ kết thúc môn thi đầu tiên, chị sẽ quay lại đưa con đi ăn, nghỉ ngơi để chiều có sức chiến đấu tiếp.

Phía trường Học viện Bưu chính viễn thông, con mưa đen kịt trời cũng đang ùn ùn kéo đến. Chị Nụ cười bảo, chị đã có phương án cho mùa mưa nước lên này. Mấy chục chiếc áo mưa giấy mang theo, chị bán 10.000 đồng một chiếc cũng đủ để hai mẹ con được một ngon tối nay.

"Chỉ mong con làm bài tốt, hai mẹ con sẽ có một bữa thật vui, chứ chuyện tiền nong, khó mấy mà cố xoay thì vẫn đủ," chị Nụ thật thà./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục