Phụ huynh “tiếp tay” tham nhũng trong giáo dục

Mặc dù biết các khoản thu không đúng quy định nhưng phụ huynh vẫn sẵn sàng nộp, sẵn sàng chi tiền để xin cho con vào trường điểm.
Mặc dù biết các khoản thu của nhà trường là không đúng quy định nhưng phụ huynh vẫn sẵn sàng nộp, sẵn sàng chi tiền để xin cho con vào trường điểm, cho con đi học thêm để được sự ưu ái của giáo viên… Chính những hành động này của các bậc cha mẹ đã góp phần làm cho những tham nhũng trong giáo dục thêm trầm trọng.

Theo kết quả khảo sát "Thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục” của Thanh tra Chính phủ công bố sáng nay, ngày 28/5, tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Thụy Điển và các nhóm tài trợ tổ chức, tham nhũng trong giáo dục chủ yếu là “tham nhũng nhỏ.”

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chính quan điểm này đã làm cho xã hội ít quan tâm và làm gia tăng tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực này.

Những nghịch lý


Cuộc khảo sát được thực hiện trên ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tập trung vào ba vấn đề: Tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm và các khoản phí ngoài quy định.

Một nghịch lý rất dễ nhận thấy từ kết quả khảo sát là mặc dù phải chi rất nhiều tiền cho các khoản ngoài quy định như chạy trường, học thêm, các loại quỹ trường, quỹ lớp… nhưng đa số phụ huynh lại cho đây là điều… bình thường.

Cụ thể, để con được học trái tuyến, có tới 58,5% phụ huynh phải nhờ người giúp đỡ, trong đó rất nhiều người phải chịu tốn kém chi phí. Nhưng có tới 67% bậc cha mẹ nói việc phải bỏ tiền để xin cho con vào trường tốt là bình thường.

Các phụ huynh cũng cho biết, khoản học phí theo quy định ở cấp tiểu học trung bình là 382.000 đồng và bậc trung học cơ sở là 422.000 đồng, nhưng tổng các khoản ngoài học phí (gồm chi đóng góp xây dựng trường, các quỹ của trường, quỹ lớp, đồng phục, sách giáo khoa, quỹ hội phụ huynh học sinh) lên đến trên 1,5 triệu, gấp gần 4 lần học phí.

Mặc dù phải “cõng” nhiều khoản ngoài luồng nhưng có tới 44% phụ huynh quan niệm việc nhà trường thu thêm các khoản ngoài quy định là bình thường, 58% người cho biết nhiều người quen của họ cũng nộp các khoản trường thu ngoài quy định. Ngoài ra, khi được hỏi có lời khuyên gì với một người bạn của mình có con đi học, gần 54% phụ huynh nói nên tích cực đóng góp thêm các quỹ cho nhà trường.

Tương tự, trong vấn đề dạy thêm học thêm, kết quả khảo sát khá "thú vị" khi có tới 44,2% học sinh học lực loại giỏi nhưng vẫn ngày ngày đến trường học thêm. Tỷ lệ học sinh giỏi tham gia học thêm các lớp do thầy cô tổ chức riêng lên tới 48,5%. Trong khi đó, chỉ có 25% học sinh kém tham gia các lớp này. Để bổ sung kiến thức, 50% học sinh học lực kém chọn cách học thêm bên ngoài.

Trung bình mỗi tháng, một học sinh của khu vực thành thị chi gần 500.000 đồng cho học thêm. Thừa nhận tiền học thêm của con khá tốn kém và trên 44% các em đạt học sinh giỏi nhưng có tới gần 82% phụ huynh cho rằng việc nhà trường và các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm là chuyện bình thường.

“Chúng ta quá dễ dãi chấp nhận tiêu cực”

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, chính phụ huynh cũng đã góp phần thúc đẩy tham nhũng trong giáo dục. Những quan điểm, suy nghĩ của họ cũng cho thấy niềm tin về đào tạo chính thống đã bị lung lay khi họ cho rằng chỉ học chương trình chính thống thôi chưa đủ và sẵn sàng đóng góp các khoản phí ngoài quy định vì sợ con sẽ  bị phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó là hiệu ứng tâm lý đám đông, khi tất cả mọi người đều chấp nhận các khoản thu ngoài luồng, chấp nhận cho con đi học thêm dù nhu cầu không thực sự cần, thì không ai dám đứng ra phản đối, thậm chí còn khuyên, kéo theo người khác cùng chấp nhận như mình. “Điều này đã làm nên vòng luẩn quẩn của sự lan tỏa xã hội về các tham nhũng trong giáo dục,” ông Hùng nói.

Cùng quan điểm này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ: “Chúng ta cho rằng những tham nhũng trong ngành giáo dục không nổi cộm còn phụ huỵnh vẫn sẵn sàng trích ra một phần kinh tế để chi trả cho con học. Chính cách suy nghĩ và hành động này đã làm trầm trọng hơn tình trạng tham nhũng.”

Đưa ra một dẫn chứng cụ thể hơn, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch hội đồng quản trị trường Đại học Trí-Việt, nói: “Khi vi phạm giao thông bị công an bắt, thay vì bỏ ra một tiếng đến kho bạc nộp tiền thì chúng ta 'gửi' cảnh sát giao thông nộp cho nhanh. Ở Việt Nam, mọi người quá dễ dãi chấp nhập tiêu cực và làm nảy sinh tiêu cực từ chính sự buông thả của mình. Chúng ta phải xem xét lại chính bản thân mình.”

Tại buổi đối thoại, các đại biểu đều cho rằng, để giải quyết tình trạng tiêu cực trong giáo dục, Nhà nước cần kiên quyết hơn trong việc thực thi pháp luật về chống tham nhũng, tăng lương cho giáo viên đồng thời đưa ra quy chế quản lý chặt chẽ hơn nữa cho ngành.

Theo đại diện của Tổ chức Minh bạch Thế giới, việc chống tham nhũng không thể thực hiện ngay trên diện rộng mà phải có lộ trình. Bộ nên thí điểm ở một số trường trước khi nhân rộng. Bên cạnh đó, khi chính phụ huynh sẵn sàng đưa tiền để con mình được ưu tiên hơn thì sự vào cuộc của các tổ chức xã hội để người dân nhận thức lại hành động của mình là rất quan trọng./.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam, cộng đồng các nhà tài trợ và các đối tác phát triển đạt được sự đồng thuận trong đánh giá chung về những tiến triển trong công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề đang đặt ra, những kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng nói chung và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục nói riêng.

Cộng đồng các nhà tài trợ và các đối tác phát triển đều khẳng định lại cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục