Phụ nữ Yemen chống luật nhằm... bảo vệ phụ nữ

Người biểu tình đã phản đối dự luật đang gây tranh cãi, quy định độ tuổi kết hôn đối với nữ là 17 tuổi và nam từ 18 tuổi trở lên.
Hàng nghìn phụ nữ Yemen ngày 21/3 đã tập hợp trước của Quốc hội nước này tại thủ đô Sanaa theo lời kêu gọi của các giáo sỹ đạo Hồi và những người thuộc phe bảo thủ để chống lại một dự luật quy định độ tuổi tối thiểu được kết hôn tại Yemen.

Những người biểu tình đến từ nhiều địa phương trong cả nước đã phản đối dự luật đầy tranh cãi này, quy định độ tuổi kết hôn đối với nữ là 17 tuổi trở lên và nam từ 18 tuổi trở lên.

Một vài người trong số họ mặc bộ đồ burqua (trang phục truyền thống của phụ nữ đạo Hồi) tay cầm kinh Coran và giơ cao biểu ngữ: "Không được loại bỏ những gì mà Thánh Allah đã cho phép."

Theo họ, không được quy định độ tuổi kết hôn, vì đạo Hồi không làm điều này và nhà tiên tri Mahomet đã lấy Aïcha khi cô bé này mới được 9 tuổi.

Đại diện của Hội phụ nữ Yemen, cơ quan ủng hộ dự luật, đã phải trốn trước đám đông những người biểu tình đang nổi giận.

Ở Yemen, hầu hết cô dâu là trẻ em. Phân nửa trong số những cô gái ở quốc gia này lập gia đình trước tuổi 18, thậm chí khi mới lên 8. Đám cưới trẻ em, khá phổ biến ở các quốc gia Trung Đông như Yemen.

Luật hiện hành ở Yemen cho phép các cô gái ở bất kỳ độ tuổi nào có thể lấy chồng, nhưng luật cũng cấm quan hệ tình dục với họ cho tới thời điểm được quy định không rõ ràng là khi họ “thích hợp cho việc ăn nằm.”

Sự nghèo đói thường dẫn tới những đám cưới của lũ trẻ bởi ở Yemen thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 900 USD một năm. Làm đám cưới cho các em gái cũng có nghĩa là... bớt đi một miệng ăn trong gia đình. 

Năm 2008, trường hợp của bé gái Nojood Mohammad Ali kết hôn với một người đàn ông làm nghề đưa thư 30 tuổi khi cô bé này mới 8 tuổi, đã giúp phơi bày hoàn cảnh của hàng nghìn bé gái nước này khi phải lấy chồng lúc còn quá ít tuổi.

Nujood đã trở thành cô dâu nhí đầu tiên ở Yemen chấm dứt cuộc hôn nhân của mình một cách hợp pháp. Khi lên 8, bố cô Ali Mohammed Ahdal, một người trước làm nghề quét rác đường phố có tới 16 người con, 2 bà vợ và không có công việc, đã sắp đặt cho cô lấy một người chồng.

Nojood kể lại rằng cô đã bị hành hạ bởi luật pháp, và đêm tối như trò chơi kinh tởm của sự bám đuổi. Nujoud chạy từ phòng này qua phòng khác để trốn tránh việc quan hệ với chồng của cô. Hắn ta cưỡng hiếp cô bất cứ lúc nào.

Hai tháng sau đám cưới, Nujoud trở về gia đình của cô. Nujood đã làm một vài việc thực sự không thể chấp nhận được ở Yemen: Cô tự đi ra ngoài, bắt xe buýt và một chiếc taxi tới tòa án chính ở Sanaa để xin ly hôn. Một tuần sau chuyến đi của Nujood tới tòa, thẩm phán đã công nhận vụ ly hôn có tính lịch sử của cô.

Nujood Ali đã lọt vào danh sách những người phụ nữ của năm của tạp chí thời trang danh tiếng Glamour, với dũng cảm vượt qua hủ tục để tìm tự do sau cuộc hôn nhân ép buộc./.

Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục