Phú Quốc - Hòn đảo ngọc thu hút các dự án du lịch, giải trí

Mục tiêu của Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc là xây dựng đảo ngọc Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, giải trí cao cấp.
Phú Quốc - Hòn đảo ngọc thu hút các dự án du lịch, giải trí ảnh 1Hằng ngày, có hàng chục chuyến phà vận chuyển số lượng lớn hành khách và nhiều loại phương tiện từ thị xã Hà Tiên ra đảo Phú Quốc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang thông qua. Mục tiêu của đề án là xây dựng đảo ngọc Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, giải trí cao cấp; trung tâm tài chính, giao thương quốc tế lớn mang tầm khu vực; một khu vực kinh tế năng động, hiệu quả, mang đặc trưng và bản sắc riêng...

Trước cánh cửa trở thành một trong ba đặc khu kinh tế đầu tiên của cả nước, Phú Quốc đang là điểm thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư.

Nhiều lợi thế đặc biệt

Huyện đảo Phú Quốc nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, trung tâm khu vực Đông Nam Á, trên vành đai kinh tế biển Việt Nam-Campuchia-Thái Lan, có diện tích tự nhiên là 58.923 ha, bao gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc, với diện tích khoảng 567 km2, được mệnh danh là đảo Ngọc.

Bên cạnh những bãi biển cát trắng trải dài, những dãy rừng nguyên sinh trùng điệp, những sản vật phong phú nức tiếng (nước mắm, hồ tiêu, điều, ngọc trai…) vốn là tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch, Phú Quốc còn được ban tặng lợi thế mà không nơi nào có được - là hòn đảo lớn nhất và duy nhất của Việt Nam không phải gánh chịu ảnh hưởng từ bão. Nhiệt độ Phú Quốc luôn duy trì ở khoảng 27oC chính là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch quanh năm. Việc sở hữu đường bờ biển dài tới 150 km cũng là thế mạnh giúp Phú Quốc khai thác tối đa dịch vụ du lịch khắp đảo.

Bên cạnh đó, đây còn là hòn đảo nằm trên tuyến đường biển quan trọng phía Nam Việt Nam, dễ dàng kết nối với các thị trường du lịch trọng điểm trong nước và khu vực như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur… mở ra hướng tiếp cận tổng thể vùng thuận lợi cho du khách.

Đặc biệt, năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, bao gồm cả huyện Phú Quốc được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã khiến hòn đảo này dần trở thành cái tên quen thuộc trên bản đồ du lịch quốc tế.

Nhiều ưu đãi trong chính sách phát triển

Với những lợi thế đặc biệt trên, Chính phủ đã có nhiều chủ chương, chính sách trong việc phát triển Phú Quốc.

Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, Phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó Phú Quốc sẽ được xây dựng để trở thành một trung tâm du lịch và giao thương lớn của cả nước, khu vực và thế giới, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đảo và cả nước.

Ngày 14/2/2006, Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang. Theo quy chế, đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Tiếp đó, ngày 3/3/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra quyết định số 20/2010/QĐ-TTg để trao cho Phú Quốc thêm nhiều ưu đãi.

Ngày 3/2/2009, theo Quyết định số 18/2009/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc vịnh Thái Lan thời kỳ đến năm 2020, Phú Quốc được quy hoạch làm một trung tâm kinh tế biển tổng hợp mạnh của cả nước và khu vực.

Tháng 12/2012, Thủ tướng quyết định chỉ ưu tiên đầu tư phát triển bằng vốn ngân sách nhà nước đối với 6 khu kinh tế từ nay đến năm 2020. Phú Quốc là một trong 6 khu đó.

Ngày 22/5/2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra quyết định số 31/2013/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Khu kinh tế Phú Quốc chính thức được thành lập khi quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-7-2013. Theo đó, khu kinh tế Phú Quốc là một trong những khu kinh tế ven biển của Việt Nam, bao trùm toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với diện tích là 58.923ha.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và lập lại Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Phú Quốc theo định hướng là đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Ngày 2/11/2017, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang thông qua đề án “Thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc”. Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc được thành lập trên cơ sở hiện trạng diện tích đất tự nhiên, dân số và cơ sở của Khu kinh tế Phú Quốc (trừ xã Thổ Châu, do đã trình đề án thành lập huyện).

Mục tiêu của Đề án là nhằm xây dựng đặc khu Phú Quốc trở thành một đô thị du lịch biển đảo, với môi trường sống hiện đại, xanh, thân thiện và an toàn. Thông qua đề án sẽ xây dựng đảo ngọc Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, giải trí cao cấp; trung tâm tài chính, giao thương quốc tế lớn mang tầm khu vực; một khu vực kinh tế năng động, hiệu quả, mang đặc trưng và bản sắc riêng dựa trên lợi thế về kinh tế, chính sách đặc biệt; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Việc xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế không chỉ giúp thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội Phú Quốc phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho tỉnh Kiên Giang và tạo sức lan tỏa, kết nối phát triển cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Thu hút nhiều dự án đầu tư tầm cỡ

Trước cánh cửa trở thành một trong ba đặc khu kinh tế đầu tiên của cả nước, Phú Quốc đang là điểm thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư.

So với Vân Đồn và Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhận được nguồn vốn ngân sách lớn nhất để phát triển cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2005-2016, đã có trên 25.000 tỷ đồng đồng vốn ngân sách nhà nước được đầu tư để xây dựng các dự án hạ tầng trọng điểm trên đảo. Đến nay, đã có một số công trình đưa vào sử dụng như: cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, đường cáp điện ngầm xuyên biển, trục giao thông chính Bắc Nam, đường vòng quanh đảo và các tuyến đường nhánh.

Bên cạnh đó, một loạt công trình khác đang tiếp tục được đầu tư bao gồm: nhà máy xử lý rác thải, hệ thống cung cấp điện lưới quốc gia mạch 2, cảng hành khách quốc tế, mở rộng công suất sân bay gấp đôi lên 5 triệu lượt hành khách/năm...

Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, Phú Quốc cũng có sức hút to lớn với nhà đầu tư. Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, lũy kế đến tháng 6-2017, Phú Quốc có 265 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích trên 7.000ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 218 nghìn tỷ đồng; đã có 31 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư gần 50 nghìn tỷ đồng và 24 dự án đang triển khai với tổng vốn đầu tư ước tính 46 nghìn tỷ đồng.

Có thể kể đến một số nhà đầu tư có số lượng vốn lớn đang triển khai đầu tư ở Phú Quốc gồm: Tập đoàn Vingroup với vốn đầu tư khoảng 50 nghìn tỷ đồng vào các dự án tập trung ở Bắc đảo (biệt thự, sân golf 18 lỗ, công viên động vật hoang dã, đặc biệt là khu nghỉ dưỡng có casino rộng 30ha…); Tập đoàn Sun Group với vốn đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng vào các dự án tập trung ở Nam đảo (các khu biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng, tuyến cáp treo vượt biển dài 7,8km từ An Thới đi Hòn Thơm...); Tập đoàn CEO với vốn đầu tư gần 21 nghìn tỷ đồng, đầu tư mạnh vào khu vực trung tâm đảo (khách sạn, biệt thự, phố đi bộ…). Ngoài ra, còn có BIM Group đăng ký đầu tư 9.141 tỷ đồng, với dự án trọng điểm Phu Quoc Marina rộng 150ha ở Bãi Trường…

Dự kiến đến năm 2020, Phú Quốc sẽ có khoảng 10.000 phòng, trở thành nơi có số lượng phòng khách sạn cao cấp lớn nhất cả nước với khả năng tiếp đón 2,1-2,4 triệu du khách mỗi năm.

Điểm đến lý tưởng

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch tương đối hoàn thiện, đảo ngọc Phú Quốc đã trở thành một địa điểm lý tưởng, thu hút đông đảo khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, chính sách ưu đãi miễn thị thực trong thời hạn lưu trú 30 ngày tại Phú Quốc đối với người nước ngoài, Việt kiều áp dụng từ cuối năm 2013 cũng là yếu tố tích cực giúp lượng khách du lịch đến Phú Quốc không ngừng tăng.

Năm 2014, Phú Quốc đón trên 630.000 lượt khách; năm 2015 đạt 900.000 lượt khách; Đặc biệt, năm 2016, được chọn là nơi tổ chức các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc-Đồng bằng sông Cửu Long, với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”, Phú Quốc đã đón trên 1,45 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 60% so với năm 2015. Theo thông tin khảo sát và đánh giá từ chuyên trang du lịch Skyscanner, Phú Quốc đã vượt qua nhiều đối thủ để dẫn đầu danh sách 10 điểm đến thu hút nhiều du khách trong năm 2016.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9-2017, đảo Ngọc đã đón 2,7 triệu khách với doanh thu ước đạt trên 2.800 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đón 2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2017 mà tỉnh Kiên Giang đề ra.

Dự tính lượng khách nước ngoài đến Phú Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng đột biến do ngày càng nhiều hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến đảo Ngọc. Như cuối năm nay, hãng hàng không TUI IK sẽ mở đường bay từ Anh sang Phú Quốc. Hãng Neos của Italy bắt đầu khai thác các chuyến bay từ thành phố Milan vào đầu năm 2018…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục