Phú Quốc sẽ thành trung tâm du lịch sinh thái biển

Kiên Giang tập trung đầu tư xây dựng Phú Quốc đến năm 2020 cơ bản trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển chất lượng cao.
Ngày 17/9, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị thông qua đề án đề nghị công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II và thành lập thành phố thuộc tỉnh.

Đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tham dự hội nghị.

Qua đánh giá, chấm điểm đô thị loại II theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, huyện Phú Quốc đạt 80,3/100 điểm về các tiêu chí: chức năng đô thị, quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, hệ thống công trình hạ tầng đô thị...

Theo quy định, Phú Quốc đã hội tụ đủ các yếu tố, tiêu chí để đề nghị được công nhận là đô thị loại II. Tuy nhiên, huyện đảo này còn thiếu một số tiêu chí, đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng đồng bộ, tiến tới hoàn chỉnh các tiêu chí của đô thị loại II theo quy định. Cụ thể là tiêu chí cân đối thu chi ngân sách, dân số, cơ sở giáo dục-đào tạo, đất cây xanh công cộng khu vực nội thị, nhà tang lễ, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, khu đô thị mới, tỷ lệ tuyến phố văn minh...

Đối với việc thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng huyện đảo Phú Quốc hiện nay, với diện tích 58.919ha, dân số 101.407 người, có 12 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 2 xã đảo.

Thành phố Phú Quốc định hướng vùng phát triển đô thị theo trục Bắc-Nam, diện tích 3.852ha, chiếm 6,54% tổng diện tích tự nhiên. Phía Bắc là khu đô thị Cửa Cạn, trung tâm thành phố là khu đô thị Dương Đông, phía Nam là khu đô thị An Thới.

Vùng phát triển du lịch bao gồm vùng du lịch sinh thái diện tích 3.051ha, bố trí dọc theo bờ biển phía Tây; vùng du lịch hỗn hợp diện tích 810ha, bố trí tại khu vực Bãi Vòng, Vịnh Đầm; xây dựng 5 sân golf tại các vùng du lịch sinh thái và hỗn hợp, tổng diện tích 819,63ha; vùng phát triển phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư, diện tích 1.235ha, bố trí ở khu vực Bãi Trường.

Vùng phát triển nông nghiệp diện tích 5.813ha, phân thành 3 khu vực là làng nghề, nông thôn và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vùng lâm nghiệp diện tích 37.802ha gồm rừng quốc gia và rừng phòng hộ. Vùng cây xanh cảnh quan, công viên mặt nước và không gian mở. Vùng đặc biệt 2.624ha bao gồm sân bay, cảng biển; khu phi thuế quan; khu tiểu thủ công nghiệp; khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Nhà tù Phú Quốc; trung tâm huấn luyện thể dục thể thao, trường đua; các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối của đảo.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển thành phố Phú Quốc từ nay đến năm 2020 khoảng 11.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn nước ngoài, vốn từ khu vực kinh tế tư nhân và hộ gia đình.

Trên cơ sở đó, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư xây dựng Phú Quốc đến năm 2020 cơ bản trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển chất lượng cao; hình thành bộ khung kỹ thuật, hạ tầng đô thị đồng bộ; phát triển hài hòa với bảo tồn cảnh quan rừng quốc gia, vẻ đẹp hoang sơ của bờ biển, sông, suối; bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu hành chính-kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương; thành phố du lịch sinh thái biển đảo.

Qua thảo luận, phản biện đề án công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II và thành lập thành phố thuộc tỉnh, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về giải pháp khắc phục nhanh các tiêu chí còn thiếu để Phú Quốc đạt tiêu chí đô thị loại II; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả; chính sách tạo vốn đầu tư phát triển đô thị; phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh...

Các đại biểu dự hội nghị thống nhất kiến nghị tỉnh Kiên Giang tiếp tục nghiên cứu, bổ sung ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chuyên ngành và cư dân trên đảo để hoàn thiện 2 đề án đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II và thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh vào năm 2015./.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục