Phú Thọ: Vùng căn cứ địa cách mạng tràn ngập sắc Xuân

Những ngả đường vào các khu, xóm, thậm chí từng ngõ ở các xã ATK của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bắt đầu ngập tràn sắc Xuân.

Những ngả đường vào các khu, xóm, thậm chí từng ngõ ở các xã ATK (An toàn khu) của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã được trải nhựa, bêtông hóa nhờ sự đồng thuận của người dân trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống người dân vùng căn cứ cách mạng xưa đã có nhiều khởi sắc. Một mùa Xuân ấm no đang về với bản làng nơi đây.

Chúng tôi về thăm xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn - một trong sáu xã ATK thời kháng chiến chống thực dân Pháp của huyện Thanh Sơn những ngày cuối năm. Tại đây, bà con người Mường, Dao đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết theo phong tục của dân tộc mình.

Dẫn chúng tôi vào khu Quyết Tiến - xóm đặc biệt khó khăn của đồng bào Dao, anh cán bộ xã Địch Quả phấn khởi khoe: "Những năm trước, trời mưa đường lầy lội lắm, ôtô xe máy đi vào bản rất vất vả. Bây giờ, đường nhựa đã trải đến tận thôn, xóm."

Xã Địch Quả có diện tích trên 1.800ha với 7.100 người dân sống ở 19 khu dân cư; trong đó có trên 50% số dân là người dân tộc Mường và Dao. Trong kháng chiến chống Pháp, Địch Quả là nơi huyết mạch nối liền mặt trận phía Tây Bắc và Đông Nam của vùng đất phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ. Lúc đó, xã thường xuyên bị địch càn quét, cướp phá, là nơi tranh chấp giữa ta và địch. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân xã Địch Quả đã góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống cách mạng, trong công cuộc xây dựng quê hương, người dân Địch Quả đã phủ xanh những đồi trọc, nương chè. Đời sống nhân dân được nâng lên. Năm 2013, thu nhập người dân ở đây bình quân ước đạt 15 triệu đồng/ người/năm; cao gần gấp 2 lần so với năm 2012.

Thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay toàn xã đã huy động gần 12 tỷ đồng để cứng hóa hệ thống đường trên địa bàn và đã thực hiện được 17,3 km đường. Xã đã vận động các nguồn đóng góp được trên 3 tỷ đồng, gần 3.100m3 đất và 1.345 công. Đến nay, toàn bộ các khu, các cụm dân cư của Địch Quả đều có đường ôtô thông suốt. Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Phiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Địch Quả cho biết đến hết năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm 2,17% so với năm 2012 (tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 9,84%). Xã đã đạt 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, xã tập trung phát triển cây chè, cây lấy gỗ và trồng cây nguyên liệu. Hiện diện tích chè toàn xã đạt gần 335ha. Địch Quả dự kiến sẽ "cán đích" nông thôn mới vào năm 2015.

Rời Địch Quả, chúng tôi đến xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn đúng vào thời điểm người dân Hương Cần đang chuẩn bị Lễ đóng cửa rừng, tổ chức vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hương Cần là ATK của tỉnh, nơi trú quân của các đơn vị chủ lực, hậu cần, bệnh viện dã chiến. Hòa bình lập lại, nhân dân Hương Cần bắt tay vào phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Chương trình 135 của Chính phủ đã hỗ trợ Hương Cần xây dựng nhiều hạng mục, công trình như trường học, đường giao thông, chợ trung tâm. Diện mạo của xã ATK này đã thay đổi, đời sống nhân dân ngày được cải thiện.

Xã Hương Cần hiện có 7.630 khẩu ở 16 khu dân cư; đồng bào dân tộc Mường chiếm 65%. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường giao thông vào Hương Cần đã phát triển, tạo thuận lợi cho sự giao thương buôn bán của người dân. Năm 2013, thu nhập bình quân của người dân ở đây đạt trên 15 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 20,7%; năm 2013 chỉ còn 15,7%. Đặc biệt, người dân Hương Cần đã đưa cây sơn ta vào trồng. Nhờ cây sơn ta, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.

Ông Khuất Ngọc Chỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Hương Cần cho biết cây sơn ta được đưa về đất Hương Cần từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Những năm trước, sơn ta được trồng chủ yếu lấy nhựa, phục vụ nghề mộc hoặc để chống xói mòn nên giá trị kinh tế không cao. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu sơn ta phục vụ trong nước và xuất khẩu cao, nhiều hộ trong xã đã chuyển các cây trồng kém hiệu quả sang trồng sơn.

Diện tích trồng sơn trong toàn xã khoảng 40ha, trong đó 13ha đã cho khai thác nhựa. Trung bình mỗi kg nhựa sơn thu khoảng 250.000-300.000 đồng.

Năm 2013, người trồng sơn của xã thu nhập khoảng gần 15 tỷ đồng. Nhiều hộ trong xã đã có cuộc sống khấm khá nhờ trồng sơn. Xã Hương Cần có kế hoạch phát triển cây sơn thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương. Hương Cần dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017.

Những ngày này, ở các xã Địch Quả, Hương Cần, hoa mận đã nở trắng. Người dân đang hoàn tất việc chuẩn bị gieo cấy vụ Xuân. Mùa Xuân đang gõ cửa từng ngôi nhà trên vùng căn cứ địa cách mạng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục