Phú Trường - một di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh

Kết quả khai quật cho thấy di tích Phú Trường, thuộc thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, thuộc văn hóa Sa Huỳnh.
Sáng 10/8, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức công bố kết quả khảo sát và khai quật di tích Phú Trường, thuộc thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Di tích Phú Trường được phát hiện từ năm 2004, khi địa phương mở đường để khai thác cát. Sau đó từ năm 2006-2009, Bảo tàng Bình Thuận đã thực hiện nhiều đợt khảo sát tại đây và phát hiện một khối lượng di tích, di vật khá phong phú như rìu đá, chum táng, nồi gốm, dọi se chỉ, đồ trang sức...

Cuối năm 2009, một đợt khai quật quy mô lớn đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện. Sau hơn 3 tháng khai quật trong 9 hố có diện tích khoảng 200m2, các chuyên gia đã phát hiện 8 cụm mộ táng và 2 cụm than tro.

Các chuyên gia tìm thấy 83 hiện vật đá, 20 hiện vật gốm và hơn 10.000 mảnh gốm, 10 tiêu bản đồng, 2 tiêu bản sắt, 1 tiêu bản thủy tinh.

Dấu ấn đậm nét nhất của di chỉ này là nghệ thuật chạm khắc hoa văn trên đồ gốm. Ngoài 2 kỹ thuật “thừng” và “chải,” hoa văn trang trí còn có các loại như khắc vạch kết hợp in chấm, hoa văn hình xương cá, khắc vạch carô, in mép vỏ sò, đắp nổi, in chấm bằng que nhiều răng...

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cường - quyền Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, với một số hiện vật đã được xác định niên đại từ thế kỷ V trước Công nguyên đền thế kỷ I sau Công nguyên, có thể khẳng định di tích Phú Trường là một di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh, có những mối quan hệ với các di tích như Dốc Chùa (Bình Dương), Suối Chình (Quảng Ngãi) hay một số di tích ở Ấn Độ.

Cuộc khai quật đã thu được nhiều di vật quý, cùng với đó là những thông tin quan trọng góp phần làm sáng rõ bức tranh lịch sử giai đoạn này của Bình Thuận và vùng cực Nam Trung Bộ.

Qua khảo sát, hiện nay Bình Thuận có trữ lượng các di tích Sa Huỳnh rất lớn. Hầu như trên cồn cát ven biển dọc các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đều có di tích dạng này. Tuy nhiên các di tích này đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi nạn dò tìm cổ vật trái phép; hoạt động khai thác cát và các hoạt động dân sinh khác... Do đó cần phải nhanh chóng khoanh vùng để bảo vệ di tích.

Theo kế hoạch, sắp tới các chuyên gia sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khảo sát, nhất là trên những cồn cát phân bố ở cửa sông ven biển, tiến tới xây dựng bản đồ các di tích Sa Huỳnh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận./.

Nguyễn Thanh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục