Phục hồi, giữ vững thương hiệu cam sành Hà Giang

Từ nay đến 2015, Hà Giang đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển cây cam nhằm bảo tồn và giữ vững thương hiệu cam sành Hà Giang.
Cam sành Hà Giang từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng trong cả nước biết đến.

Để cây cam trở thành cây kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, từ nay đến năm 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi và phát triển cây cam theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm bảo tồn và giữ vững thương hiệu cam sành Hà Giang.

Cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo

Hà Giang là một trong những tỉnh có diện tích cam lớn nhất của cả nước, được trồng tập trung tại ba huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình.

Cây cam sành Hà Giang có thời kỳ tổng diện tích cao nhất đạt gần 8.000ha, sản lượng đạt trên 32.500 tấn quả, giá trị sản lượng từ cam ước đạt khoảng 120 tỷ đồng. Từ những giá trị hiệu quả, cam sành đã được tỉnh Hà Giang xác định là cây kinh tế mũi nhọn, loại cây ăn quả này đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no, giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số làm giàu.

Ông Hoàng Quang Phùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, cho biết là một huyện trọng điểm trong phát triển kinh tế và có diện tích cam lớn nhất của tỉnh, chỉ tính riêng năm 2012, sản lượng cam của Bắc Quang đạt 6.200 tấn, giá trị sản lượng đạt 49,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây vùng trồng cam sành của Hà Giang bị suy thoái, thoái hóa, từ đó dẫn tới giảm năng suất, chất lượng và diện tích trồng cam bị thu hẹp. Chỉ tính riêng huyện Bắc Quang, diện tích trồng cam đã bị thu hẹp từ 3.547ha, nay giảm xuống chỉ còn 1.140ha. Trong khi đó, việc phát triển diện tích trồng mới gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trồng trên những vùng đất trồng lại.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, diện tích cam sành và năng suất, chất lượng cam của Hà Giang bị giảm mạnh là do nhiều diện tích bị nhiễm bệnh vàng lá Greening. Hơn nữa, nhiều diện tích cam đã già cỗi, suy kiệt dinh dưỡng, do không được chăm sóc tốt nên cây sinh trưởng, phát triển kém, quả ra bé, hình thức mẫu mã xấu và có rất ít quả.

Ngoài ra, hầu hết các hộ gia đình trồng cam sành ở Hà Giang vẫn áp dụng biện pháp trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống. Tỷ lệ số hộ trồng cam áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc và bảo quản mới chỉ chiếm 25-30%.

Mặt khác trong thực tế sản xuất cam của Hà Giang hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn chưa được giải quyết đó là khi cam được chăm sóc có mẫu mã quả đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thì lại rất khó bảo quản, hay bị thối... Từ đó đã làm giảm giá trị và chất lượng của sản phẩm, có nguy cơ ảnh hưởng tới thương hiệu Cam sành Hà Giang.

Thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, cho biết để thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XV, nhiệm kỳ 2010-2015 về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó có việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển cây cam sành Hà Giang, Sở đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn, giữ vững thương hiệu cam sành Hà Giang.

Ngay từ đầu năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang và 3 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình triển khai mô hình thâm canh cam theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là một quy trình sản xuất nông sản an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường.

Đến nay, các ngành, đơn vị đã khảo sát thực địa để lựa chọn điểm, chọn hộ tham gia thực hiện chương trình cam VietGap với trên 60ha; trong đó tổng diện tích trồng mới là 17,2ha; diện tích cam sành áp dụng thực hiện chương trình VietGap là 43ha.

Những hộ tham gia trồng cam sành theo tiêu chuẩn này cũng đã được tham dự các đợt tập huấn về kỹ thuật chuyển giao khoa học kỹ thuật; quy trình trồng, chăm sóc, đốn tỉa tạo tán, cải tạo vườn già cỗi; tập huấn về công tác bảo vệ thực vật; chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng đã đưa ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích các hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap như hỗ trợ về giống đối với diện tích trồng mới; đầu tư cơ sở vật chất ban đầu; hỗ trợ về tín dụng để các hộ vay vốn đầu tư thâm canh và thực hiện các chính sách về đất đai để thực hiện sản xuất cam sành VietGap theo mô hình sản xuất tập trung.

Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng cam sành theo chuỗi sản phẩm, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế vườn cam. Đồng thời quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể, gắn tem, nhãn, mác, logo cam sành Hà Giang.

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng quan điểm của tỉnh là quyết tâm phục hồi, duy trì và bảo tồn bền vững thương hiệu cam sành Hà Giang.

Việc triển khai các biện pháp đồng bộ, thực hiện xây dựng vườn cam theo tiêu chuẩn VietGap và phục hồi vườn cam sành là một giải pháp để giữ vững thương hiệu cam sành Hà Giang.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp, các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phục hồi, xây dựng vườn cam theo tiêu chuẩn VietGap.

Đồng thời, tỉnh cũng triển khai công tác quảng bá thương hiệu cam sành Hà Giang, làm cầu nối xúc tiến, giao lưu, tăng cường đối thoại. Thực hiện tốt mối liên kết "4 nhà" để cây cam sành là cây kinh tế mũi nhọn, hình thành vùng chuyên canh ngày càng rõ nét, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo./.

Minh Tâm (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục