Phương án một bài thi: Thi tích hợp nhưng không đánh đố thí sinh

Đưa ra phương án tổ chức kỳ thi "hai trong một" theo hướng tích hợp đến 8 môn học trong một bài thi trắc nghiệm duy nhất nhưng lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định đề sẽ không đánh đố học sinh.
Phương án một bài thi: Thi tích hợp nhưng không đánh đố thí sinh ảnh 1Giáo sư Nguyễn Đình Đức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đưa ra phương án thi có thể áp dụng để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia theo mục đích “hai trong một” với rất nhiều điểm mới so với các phương án tổ chức thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. 

Cụ thể, thí sinh sẽ chỉ cần làm một bài thi đánh giá năng lực theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính với 180 câu hỏi gồm nhiều lĩnh vực môn học; các em có thể thi lại nhiều lần trong năm...

Để hiểu rõ hơn về phương án này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội về các nội dung liên quan.

-Thưa Giáo sư, phương án thi đánh giá năng lực này đã được Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Để đưa ra được phương án thi này, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có sự chuẩn bị từng bước một, bắt đầu từ năm 1997 đến nay, khi triển khai tuyển chọn các em học sinh giỏi vào học các hệ tài năng, sau đó là những kết quả  nghiên cứu từ đề tài cấp Nhà nước về các công cụ để đánh giá tuyển chọn, phát hiện và quy trình đào tạo và bồi dưỡng nhân tài từ năm 2004-2005, mục tiêu là để lựa chọn được người phù hợp nhất vào học đại học và sau đại học.

Chúng tôi cũng tham khảo nhiều nước, mời chuyên gia Mỹ sang tập huấn, chuẩn bị nhân lực. Trên 70 giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được chuyên gia khảo thí của Mỹ tập huấn về kỹ năng ra đề thi. Nhiều chuyên gia hàng đầu trong việc ra đề thi trung học và tuyển sinh đại học cũng đã được huy động tham gia vào xây dựng đề thi.

Mặt khác, Đại học Quốc gia Hà Nội có lợi thế là đa ngành nghề đào tạo, hệ thống không chỉ có các trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Kinh tế, Luật, Ngoại ngữ,…mà còn có cả các trường trung học phổ thông chuyên. Chúng tôi có đủ nguồn cán bộ giảng viên thuộc tất các các chuyên môn theo yêu cầu ra đề theo cấu trúc và dạng thức của bài thi tổng hợp.

Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng gần 4.000 câu hỏi thuộc các hợp phần khác nhau. Trong số này, một bộ phận đã được thử nghiệm. Thời gian tới cần tiếp tục thử nghiệm và phát triển thêm câu hỏi mới để đảm bảo thường trực khoảng 10 ngàn câu hỏi trong ngân hàng. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thành lập Trung tâm Khảo thí để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này. 

Ngày 10/9 tới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức thi chọn sinh viên vào học trong các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao theo phương án này. Đây sẽ là dịp rà soát và hoàn thiện quy trình, bộ đề cũng như quy trình, công nghệ tổ chức thi. 

Phương án thi này trước hết để phục vụ cho mục đích tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, xét thấy có thể mở rộng sang áp dụng cho kỳ thi hợp nhất [Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, kết quả vừa để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa để làm cơ sở xét tuyển vào đại học-PV], nên nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ sẵn sàng chia sẻ.

Phương án một bài thi: Thi tích hợp nhưng không đánh đố thí sinh ảnh 2Thí sinh làm thủ tục dự thi đại học. (Ảnh: TTXVN)

-Phương án thi Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều điểm giống phương án 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Theo giáo sư, đâu là điểm khác biệt và áp dụng phương án trường đề xuất vào kỳ thi “hai trong một” thì sẽ có những ưu điểm gì?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản là phương án thi của Đại học Quốc gia là thi tích hợp theo chiều sâu, chỉ một bài thi và hình thức thi là trắc nghiệm trên máy tính, còn phương án 2 của Bộ là bài thi tổng hợp, thi 4 bài thi khác nhau, kết hợp cả thi tự luận, trắc nghiệm và thi viết tay.

Phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội là hiện đại, định hướng theo phương án thi tuyển sinh của Mỹ, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp điều kiện của Việt Nam và có nhiều ưu điểm. 

Thí sinh chỉ thi một bài trong một buổi thi, giảm số buổi thi nên sẽ giảm được áp lực, tốn kém, phức tạp. Việc tổ chức thi trắc nghiệm với các câu hỏi được trộn bởi máy tính sẽ đảm bảo tính khách quan, hạn chế được các tiêu cực như nhìn bài, quay cóp trong phòng thi hay các hỗ trợ từ bên ngoài.

Thi trắc nghiệm trên máy tính nên việc chấm thi cũng nhanh chóng, kết quả chính xác, độ tin cậy, an toàn cao.

Cấu trúc đề gồm nhiều môn, nhiều lĩnh vực nên buộc thí sinh phải học toàn diện. Đề thiết kế theo từng phần và có điểm từng phần nên các trường đại học cũng thuận lợi trong việc chọn tiêu chí để tuyển thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình. 

Học sinh có thể thi nhiều đợt trong năm, thi nhiều lần nên giảm căng thẳng áp lực đỗ trượt trong một lần thi duy nhất như hiện nay, hoặc có thể ôn tập thi lại để cải thiện điểm trước khi xét vào đại học.

-Bộ đưa phương án thi bài thi tổng hợp vì sợ khi chưa triển khai dạy và học tích hợp mà đã tổ chức thi tích hợp sẽ làm khó thí sinh. Việc Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra đề thi tích hợp có tính đến vấn đề này, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đổi mới phương thức tuyển sinh thực chất là thay đổi hình thức thi tuyển, đánh giá, còn bản chất vẫn là năng lực nhận thức, kiến thức và những năng lực khác mà các em thí sinh đã được tiếp thu, đào tạo và tích lũy ở bậc phổ thông. 

Những nội dung trong bài thi không năm ngoài kiến thức trung học phổ thông, và trước mắt vẫn trọng tâm vào kiến thức lớp 12, chỉ có 20% kiến thức ở lớp 11 và 10% ở lớp 10, phù hợp với chương trình, tài liệu học tập như hiện nay. 

Bài thi tích hợp nhưng sẽ không quá khó với thí sinh, chẳng hạn kiểm tra ngữ văn, về mặt ngôn ngữ tiếng Việt nhưng nội dung câu hỏi sẽ về lồng ghép một vấn đề thuộc lĩnh vực sinh học… 

Mặc khác, thí sinh có thể lên mạng để làm quen với đề mẫu từ trước. Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố định dạng đề thi cùng các yêu cầu và hướng dẫn thí sinh trên mạng. Chúng tôi cũng đang thiết kế phần mềm để thí sinh có thể xem bộ đề thi mẫu và tiến hành thi thử và luyện thi trên website của trường. Các em cứ làm thử và sẽ thấy không hề quá sức.

-Cũng liên quan đến đề thi, bố cục đề không hề nhắc đến môn ngoại ngữ. Môn học này sẽ nằm ngoài bài thi đánh giá năng lực, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đúng là môn ngoại ngữ không nằm trong nội dung bài thi này.

Đây là bài thi đánh giá năng lực chung. Các trường có thể có thêm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt về một lĩnh vực, môn học nào đó phù hợp với ngành nghề đào tạo. Trường có nhu cầu tuyển thí sinh có năng lực ngoại ngữ sẽ có thể có bài kiểm tra đánh giá thêm hoặc có thể dựa trên điểm học tập bậc trung học phổ thông của các em về môn này.

-Việc thi trên máy tính liệu có gây khó cho thí sinh cũng như khâu tổ chức thi không thưa giáo sư, khi mà đòi hỏi lớn về cơ sở hạ tầng máy móc, kỹ thuật, tính bảo mật, nhất là khi triển khai ở quy mô toàn quốc?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Chúng tôi cũng đã tính đến yếu tố kỹ thuật và yếu tố vùng miền khi triển khai trên toàn quốc nên các thao tác thi đơn giản, cơ bản là lựa chọn, nên sẽ không khó cho thí sinh.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng một phần mềm để tổ hợp đề, tổ chức thi và chấm thi trên máy tính. Phần mềm này sẽ được áp dụng thử nghiệm cho đợt thi tháng Chín tới. 

Về trang thiết bị, với số lượng dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội hàng năm khoảng 30.000 em thì có thể thực hiện được bằng cách chia làm nhiều đợt.

Tuy nhiên, nếu để triển khai phương án này theo hướng kỳ thi quốc gia diện rộng thì cần có thêm các điều kiện hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ban ngành về hàng loạt vấn đề như hệ thống chính sách, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị hạ tầng phần cứng, cơ sở vật chất (phòng thi), chỉ đạo các tập đoàn viễn thông hỗ trợ về hạ tầng đường truyền, nâng cấp phần mềm, hỗ trợ trường trong việc phát triển ngân hàng đề….

-Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương bỏ kỳ thi “ba chung” vào năm 2015. Nếu không còn “ba chung”, Đại học Quốc gia Hà Nội có áp dụng phương án thi này ngay năm tới, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Theo lộ trình đặt ra, năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ áp dụng tổ chức bài thi đánh giá năng lực đối với các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế, các chương trình đào tạo khác vẫn theo kỳ thi ba chung.

Nếu Bộ bỏ “ba chung” thì Đại học Quốc Gia Hà Nội sẽ áp dụng phương án này ở tất cả các ngành cho tất cả các chương trình đào tạo.

-Xin cảm ơn giáo sư!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục