Phương châm “đồng tiền quay ngược” tại Ninh Bình

“Đồng tiền quay ngược” là phương châm mà Ninh Bình thực hiện đầu tư lại cho nông dân để hóa giải bất hợp lý từ phát triển kinh tế.
Tỉnh Ninh Bình đang có tốc độ phát triển nhanh với mức thu ngân sách năm nay đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cách đây 3 năm.

Tuy nhiên, sự phát triển này kéo theo nhiều vấn đề bất hợp lý như mất cân bằng sinh thái, nông dân mất đất sản xuất, lao động thiếu việc làm...

“Đồng tiền quay ngược” đang trở thành phương châm mà tỉnh Ninh Bình thực hiện đầu tư lại cho nông dân để hóa giải phần nào những vấn đề trên.

Thu hút đầu tư tốt để phát triển công nghiệp đang giúp tỉnh nghèo như Ninh Bình từng bước thoát khỏi khó khăn. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh gần 10 khu, cụm công nghiệp, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

Tỉnh chọn ximăng làm ngành nghề chủ lực, dự kiến trong tương lai sẽ có 5 nhà máy lớn bậc nhất của cả nước với tổng sản lượng khoảng 10 triệu tấn/năm. Số lượng các dự án lớn, đầu tư nước ngoài vào địa bàn tăng vọt từng năm, chủ yếu ưu tiên các lĩnh vực công nghệ sạch, khí điện đạm, chế biến nông sản, may mặc, lắp ráp ôtô...

Chỉ tính riêng năm nay toàn tỉnh có trên 500 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn trên 7.000 tỷ đồng; 37 dự án được cấp chứng nhận đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.000 tỷ năm 2010.

Từ những nguồn thu được, Tỉnh ủy Ninh Bình đang chỉ đạo các cấp các ngành, doanh nghiệp có trách nhiệm giúp đỡ những vùng khó khăn, vùng công nghiệp chiếm đóng.

Năm 2009, tỉnh đã đầu tư 55 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất cho các vùng nghèo khó. Các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vào quỹ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ bà con như doanh nghiệp Xuân Thành, Xuân Trường, Thống Nhất...

Chương trình xóa nhà dột nát ở tỉnh Ninh Bình triển khai nhanh, hiệu quả và tiến độ hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Năm 2009 toàn tỉnh đã xây mới và cải tạo 1.256 ngôn nhà dột nát, nhiều hộ gia đình chính sách, neo đơn đã được ưu tiên nên sớm nhận nhà mới.

Trước thực trạng nan giải các khu công nghiệp, các dự án lớn được quy hoạch ở vùng đất nông nghiệp dẫn tới nông dân thiếu việc làm, tỉnh Ninh Bình thành lập thêm 3 trường dạy nghề, nâng tổng số cơ sở dạy nghề lên 15 đơn vị, mỗi năm đã đào tạo cho 33.000 người, chủ yếu con em trong tỉnh.

Tỉnh Ninh Bình đề ra các giải pháp tiếp tục huy động nhiều nguồn lực đặc biệt là nguồn tiền từ phát triển công nghiệp, du lịch đầu tư quay vòng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đẩy mạnh hơn thực hiện các nghị quyết trồng cây vụ đông, xóa nhà dột nát và xóa đói giảm nghèo./.

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục