Phương Tây sẽ tự hủy hoại nền kinh tế do chính sách năng lượng tồi?

Theo mạng tin eurasiareview, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chứng kiến phương Tây - đứng đầu là Mỹ và Liên minh châu Âu - tự hại chính mình qua các vấn đề đối nội và các vấn đề trên phạm vi toàn châu lục.
Khói bốc lên từ một cơ sở lọc dầu tại Fort McMurray của Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên từ một cơ sở lọc dầu tại Fort McMurray của Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin eurasiareview, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chứng kiến phương Tây - đứng đầu là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - tự hại chính mình qua các vấn đề đối nội và các vấn đề trên phạm vi toàn châu lục.

Không chỉ Tổng thống Mỹ Donald Trump và EU, mà cả các cử tri đều không hiểu rõ các xã hội vận hành như thế nào, đặc biệt khi liên quan tới vấn đề năng lượng.

"Thỏa thuận Xanh mới" là bằng chứng thể hiện điều đó, bởi thỏa thuận này không có cơ hội thành công với công nghệ và số tiền đóng thuế của người dân hiện nay.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chứng kiến Mỹ, EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh châu Á của họ bị lúng túng trong các cuộc khủng hoảng của khu vực đe dọa tới sự tồn vọng của chính họ (ví dụ tình trạng kinh tế trì trệ, suy giảm nhân khẩu học, số dân Hồi giáo chưa bị đồng hóa tăng lên ở nhiều nước EU, thuế cao, nợ tăng và sự không bền vững về tài chính của các nền dân chủ xã hội Tây Âu).

Nếu không có năng lượng, sẽ không có gì cả. Trung Quốc và Ấn Độ hiểu điều này rõ hơn phương Tây bởi vì toàn thể người dân và lãnh đạo ở hai quốc gia này nhìn nhận vấn đề năng lượng là điều sẽ giúp dân số hơn 2 tỷ người (của cả hai nước cộng lại) gia nhập thế giới thịnh vượng, tây phương và do người tiêu dùng chi phối.

Phần lớn các quốc gia châu Âu nhạy cảm về vấn đề môi trường tin rằng năng lượng hóa thạch là tội ác. Các nước này nỗ lực vì một thế giới không có carbon và sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo.

Ngay cả Mỹ cũng đã cắt giảm lượng khí thải CO2 của nước này, tuy nhiên "chắc chắn 100% điều này sẽ không tạo ra sự khác biệt nào trong việc giảm bớt tình trạng nóng lên toàn cầu."

Trung Quốc và Ấn Độ chưa bao giờ đề cập tới quan điểm này về năng lượng, hay các nền kinh tế dựa trên các nguồn năng lượng không carbon có thể tái tạo được - điều thúc đẩy Trung Quốc và Ấn Độ tiến tới một thế giới sạch hơn.

[CERAWeek 2019: Cuộc đối đầu giữa nhiên liệu hóa thạch và tái tạo]

Cả hai nước sẽ tiếp tục nhập khẩu, xuất khẩu và khai thác than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các quốc gia độc tài, vi phạm nhân quyền như Saudi Arabia, Nga, Iran, Venezuela, Iraq, Nigeria, Angola và Algeria.

Hơn nữa, nền chính trị Trung Quốc, Ấn Độ, và ngày càng nhiều khả năng cả châu Phi, sẽ không bao giờ cho phép việc thiếu các đường ống dẫn dầu. Chính trị nội bộ hay tính nhạy cảm đối với các nhà môi trường phương Tây khiến các quốc gia này không thể vươn lên vị thế hàng đầu thế giới mà Mỹ, EU và các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản đang nắm giữ.

Chỉ có những người suy nghĩ quá đơn giản mới tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ngừng sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, đứng đầu là than đá. Hai nước này đều hiểu rằng than đá có rất nhiều (ước tính có trữ lượng 1,1 nghìn tỷ tấn trên toàn thế giới, với tốc độ khai thác hiện nay thì có thể kéo dài tới 150 năm), đây là nguồn nhiên liệu có thể tin cậy, chi phí thấp nhưng hiệu quả cao đối với người sử dụng cuối cùng và có mật độ năng lượng tốt nhất trong số tất cả các nhiên liệu hóa thạch và năng lượng có thể tái tạo hiện nay.

Trung Quốc hiện đang xây dựng hàng trăm các nhà máy nhiệt điện mới sử dụng than đá. Để đối chọi với Trung Quốc, "Ấn Độ có 589 nhà máy nhiệt điện dùng than đá, nước này đang xây thêm 446 nhà máy khác, nâng tổng số lên 1036 nhà máy nhiệt điện."

Những con số này là thống kê sau khi cả hai chính phủ ký Thỏa thuận Khí hậu Paris và quảng cáo về những "thành tích xanh" của họ.

Trong bối cảnh Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước có trữ lượng than đó lớn nhất thế giới, và các nước này đều đang cạnh tranh để giành được vị thế thống trị về địa chính trị, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục sử dụng than đá với mức kỷ lục. Năng lượng khi đó là một vũ khí địa chính trị. Châu Âu đã không hiểu được thực tế này.

Chỉ có Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như hiểu vấn đề này, Mỹ đang sử dụng dầu đá phiến mới được tìm thấy và khí đốt tự nhiên để đạt được lợi thế địa chính trị trên toàn cầu.

Sự công kích của giới truyền thông trên toàn cầu, đảng Dân chủ ở Mỹ, cả những người của đảng Cộng hòa không ủng hộ tổng thống, khiến Tổng thống Trump bị kiềm chế và làm cho sức mạnh của Mỹ có phần trở nên uể oải.

Trung Quốc và Ấn Độ chỉ ngồi nhìn và không làm gì cả, và họ hiểu rằng phương Tây đã quá yếu nên không thể tới "giải cứu" Mỹ hay Tổng thống Trump.

Phương Tây sẽ tự hủy hoại nền kinh tế do chính sách năng lượng tồi? ảnh 1Hình ảnh dự án trong giai đoạn thử nghiệm thu khí CO2 trực tiếp từ không khí tại vùng Permian, mỏ dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ tại Tây Texas và Đông Nam New Mexico. (Nguồn: Houston Chronicle)

Những người ủng hộ năng lượng có thể tái tạo có thể nói, viết và vận động hành lang công khai rằng điện mặt trời và điện gió có giá thành ngang nhau hoặc thậm chí thấp hơn so với năng lượng từ dầu mỏ, khí đốt, than đá và hạt nhân.

Tuyên bố này là sai lầm. Năng lượng có thể tái tạo có chi phí cao hơn nhiều đối với người đóng thuế và các quốc gia khi so sánh với năng lượng hóa thạch hay năng lượng hạt nhân.

Nếu không hiểu được điều cơ bản rằng mọi tuabin gió hay tấm năng lượng Mặt Trời đều không thể sử dụng liên tục và luôn cần tới sự hỗ trợ của nguồn năng lượng hóa thạch, phương Tây sẽ đẩy mình vào tình thế rủi ro trước Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên. Dựa trên việc đúng về lợi ích của mình, Ấn Độ sẽ chọn liên kết với các quốc gia đối đầu với phương Tây về vấn đề môi trường.

Một cuộc đấu tranh quyền lực đã nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và bất kể nước nào sở hữu nhiều nguồn năng lượng lớn sẽ giành được châu Á trong phần còn lại của thế kỷ này. An ninh quốc gia và cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng tại châu Á giữa hai nước này là lý do giải thích tại sao họ sẽ chứng kiến phương Tây tự hủy hoại nền kinh tế của mình vì các chính sách tồi về năng lượng.

Chắc chắn Ấn Độ và Trung Quốc sẽ sử dụng khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và dầu mỏ, nhưng than đá vẫn là nguồn năng lượng cơ bản nhất của hai nền kinh tế này.

Điều này sẽ thật tồi tệ đối với lượng khí thải của thế giới, ô nhiễm không khí và sức khỏe toàn cầu, nhưng làm thế nào để phương Tây, Liên hợp quốc và các tổ chức môi trường nói với hai quốc gia đang phát triển này rằng họ không thể tiếp cận được với các cơ hội năng lượng và sự phát triển mà phương Tây đã có được trong suốt hơn 70 năm qua?

Việc tiếp cận với các nguồn năng lượng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trong khi đó cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng lên.

Trừ phi có điều gì đó tạo ra một sự thay đổi lớn lao, ảnh hưởng của phương Tây bị thu nhỏ lại, mở ra "thế kỷ châu Á" mà Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tận dụng thời cơ để chiếm vị thế lãnh đạo của Mỹ, khi đó trật tự tự do được tạo ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai mới chấm dứt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục