Premier League đã hết rồi thời kỷ nguyên vàng?

Premier League kết thúc năm 2009, bước vào thập niên mới cùng câu hỏi lửng lơ: Phải chăng, giai đoạn bùng nổ đã đi đến hồi cuối?
Liverpool bị loại sớm ở vòng bảng Champions League. Manchester United và cả Liverpool chìm ngập trong những rắc rối tài chính bởi các ông chủ Mỹ cơ hội. Premier League kết thúc năm 2009, bước vào thập niên mới cùng câu hỏi lửng lơ: Phải chăng, giai đoạn bùng nổ của họ đã đi đến hồi cuối?

Thập niên vừa trôi qua ghi nhận thành công rực rỡ cho Premier League. Ra đời ở mùa giải 1992-1993, sau một giai đoạn chạy đà, giải đấu này có một thập niên lộng lẫy với số lượng khán giả đến sân, bản quyền truyền hình và thành tích trên sân cỏ của các câu lạc bộ đều đạt ở mức ngoài dự kiến.

Nhưng phải chăng, đó cũng là đỉnh điểm? Liệu thành công 10 năm qua có lặp lại trong 10 năm tới? Hay nhiều yếu tố từ tài chính, xã hội đến chính trị sẽ kéo lùi Premier League khỏi những hào quang?

"Bong bóng" những ông chủ ngoại

Hình ảnh các đội bóng Premier League lần lượt rơi vào tay chủ ngoại đã thành quen thuộc trong những năm gần đây. Nó có tính hai mặt. Một số đội bóng thành công. Nhưng một số thất bại khi rơi vào cảnh tài chính lung lay, nợ nần chồng chất và bất ổn.

"Cuộc hôn nhân" Chelsea-Roman Abramovich có thể coi là một câu chuyện thành công. Trước khi tỷ phú Nga xuất hiện, Chelsea trải qua nửa thế kỷ không biết đến đỉnh cao là gì. Tiền bạc nhanh chóng tạo nên sức mạnh với hai chức vô địch liên tiếp cùng Jose Mourinho và giờ màu Xanh London đã là quyền lực quen thuộc của Premier League, đang đóng vai ứng cử viên sáng giá ở mùa này. Hình ảnh Chelsea giờ đang được tái lập với Manchester City.

Nhưng nhiều đội bóng khác không có được điều đó. Hãy nhìn Manchester United và Liverpool. Hai quyền lực giàu truyền thống nhất bóng đá Anh giờ đang khốn khổ với các ông chủ Mỹ, những người chỉ coi trái bóng tròn là một dự án đầu tư. Bài toán kinh tế với họ theo cùng một công thức: Vay mượn để thâu tóm rồi trút nợ sang câu lạc bộ, chờ đợi bòn rút từ nguồn doanh thu ổn định của đội bóng hoặc nếu không ổn sẽ bán lại để kiếm lời. Mô hình này đang bị báo động thực sự.

Bất kể thành công trên sân cỏ như Manchester United mùa trước, câu lạc bộ này chỉ tránh được thua lỗ nhờ đẩy đi Cristiano Ronaldo với giá kỷ lục 80 triệu bảng. Phải gánh gồng những khoản lãi suất quá lớn, ngân sách chi tiêu đương nhiên bị thu hẹp. Những động thái chuyển nhượng rón rén của Manchester United lẫn Liverpool thời gian qua là biểu hiện rõ ràng. Giờ đây, thay vì mơ đến việc mua về những ngôi sao, các fan của hai đại gia này lại lo lắng sắp phải chia tay thần tượng nào đó bởi bán cầu thủ thu tiền về bù đắp tài chính là giải pháp mà các nhà đầu tư Mỹ luôn sẵn sàng áp dụng.

Cạn kiệt tài năng?

Trong thập niên qua, Premier League thành thiên đường quy tụ các ngôi sao thế giới. Để lôi kéo tài năng, các câu lạc bộ rơi vào cuộc "chạy đua vũ trang" nguy hiểm dẫn đến mức lương tăng vọt. Với bảng lương vừa dài vừa rộng như vậy, tính lành mạnh tài chính bị đe dọa nghiêm trọng.

Dù chủ ngoại hay chủ nội thì yêu cầu về thắt chặt chi tiêu cũng đang âm thầm lan khắp Premier League. Bài học vỡ nợ của Leeds vẫn còn nóng hổi. Mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã tác động không ít đến xứ sương mù lẫn Premier League. Việc giữ chân các trụ cột hiện tại cũng không dễ chút nào. Người ta đang đồn đại về khả năng Rooney nối bước Ronaldo sang Tây Ban Nha, hay Fernando Torres cùng Cesc Fabregas hồi hương… Thuế ở xứ đấu bò dễ chịu hơn nhiều và thời tiết cũng thế.

Quá dựa vào ngoại binh trong thời gian qua, bóng đá Anh đã thiếu hụt tài năng nội một cách trầm trọng. Sau thế hệ những Lampard, Terry, Gerrard, Rooney, thật khó kể vài cái tên thực sự triển vọng nào trong vài năm gần đây. Và giờ khi ngoại binh cũng không còn khái niệm "siêu cao cấp" như trước mà chỉ là những gương mặt làng nhàng giá rẻ, Premier League đứng trước viễn cảnh cạn kiệt các tên tuổi lớn. Và Liga BBVA đang mạnh mẽ đòi lại danh hiệu "giải đấu hấp dẫn nhất thế giới" khi Barcelona thăng hoa còn Real Madrid lại thành "Dải ngân hà".

Những quy định của UEFA

Sự lớn mạnh dựa nhiều vào tiền bạc mà Premier League thể hiện trong vài năm gần đây như "cái gai" trong mắt Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Các tổ chức này đã công bố nhiều kế hoạch hạn chế kiểu chi tiêu vô tội vạ, gây cảm giác "bất bình đẳng" đó như công thức "6+5" hạn chế ngoại binh trong đội hình xuất phát hay đáng lo hơn cho Premier League là yêu cầu các đội bóng dự Champions League phải cân bằng được thu chi kể từ năm 2013.

Trong tương lai, nhiều quy định chặt chẽ hơn hứa hẹn sẽ ra đời liên quan đến các lĩnh vực tài chính của câu lạc bộ như nợ nần, chi chuyển nhượng, chi trả lương…Chắc chắn, Premier League sẽ chịu tác động không ít. Muốn thích nghi đi chăng nữa cũng cần khá nhiều thời gian bởi sức mạnh hiện nay của giải đấu này rõ ràng được tạo dựng dựa nhiều vào tiền bạc.

Tất nhiên, câu chuyện nào cũng có hai mặt. Có thể vị thế Premier League đang và sẽ lung lay mạnh khi phải đối mặt với việc UEFA siết chặt hơn luật lệ. Song ngược lại, đây sẽ cơ hội để bóng đá Anh nhìn lại mình, tập trung hơn cho việc phát triển nguồn lực nội tại thay vì chú trọng vào ngoại binh như giai đoạn qua. Và những nỗi đau vỡ nợ như Leeds cũng sẽ bớt dần khi các câu lạc bộ thận trọng hơn trong việc quản lý tài chính.

Thập niên qua có thể xem là kỷ nguyên vàng của Premier League. Và chỉ thời gian mới trả lời được kỷ nguyên vàng đó đã trôi qua hay phía trước còn là kỷ nguyên… kim cương rực rỡ hơn. Nhưng, rõ ràng với Premier League, thập niên này đang khởi đầu cùng những lo âu, bất ổn và lộn xộn./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục