PV tác nghiệp tại Israel: Môi trường của sự linh hoạt và khéo léo

Để có được thông tin và hình ảnh sống động, nhất là tại địa bàn Israel, nơi có sự nhạy cảm cao về an ninh và tôn giáo, phóng viên phải chai lỳ, khéo léo và có những ứng biến riêng.
PV tác nghiệp tại Israel: Môi trường của sự linh hoạt và khéo léo ảnh 1Nhà báo Vũ Hội tác nghiệp tại Israel. (Nguồn: NVCC)

Tác nghiệp tại địa bàn chiến tranh, có sự nhạy cảm cao về an ninh và tôn giáo như Israel, việc tiếp cận hiện trường và nhân vật là công việc không dễ dàng.

Để có được thông tin và hình ảnh sống động, đôi khi đòi hỏi mỗi phóng viên phải chai lỳ, khéo léo và có những ứng biến riêng.

Trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19, Israel được biết đến là quốc gia đi đầu với một chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc.

Các trạm xét nghiệm và tiêm phòng được dựng lên khắp nơi, trong bệnh viện, ở quảng trường, xe lưu động.., song những ngày đầu để được vào trong quay phim chụp ảnh là rất khó.

[Phóng viên TTXVN tại Israel: Tác nghiệp trong hoàn cảnh chiến tranh]

Ngoài lý do an ninh, tính chất riêng tư về mặt y tế khiến các nhân viên bảo vệ nhất định không cho phóng viên vào tác nghiệp, kể cả khi đã trình thẻ nhà báo do Chính phủ Israel cấp.

Nói chung, các nhân viên làm công ăn lương tại Israel rất cứng nhắc và sợ trách nhiệm, nếu cảm thấy có gì nhạy cảm là ngăn cản.

Trong khi đó, thủ tục xin giấy phép cho từng điểm tác nghiệp lại rất nhiêu khê, nhất là trong bối cảnh công sở hạn chế mở cửa do giãn cách xã hội.

Được tác nghiệp hay không phụ thuộc chủ yếu vào thái độ của bảo vệ hoặc nhân viên y tế phụ trách tại mỗi địa điểm.

Vậy là các phóng viên phải bàn nhau chạy nhiều chỗ khác nhau với hy vọng tìm được nơi có bảo vệ dễ tính để “xin xỏ.” Chỗ thì dùng lý lẽ “phóng viên được quyền tác nghiệp ở mọi nơi,” chỗ thì đóng giả là người dân tới xét nghiệm, chỗ thì nhân lúc bảo vệ quay đi xông thẳng vào quay chụp rồi giải thích sau.

Tại một trạm tiêm vaccine dã chiến, phóng viên bắt chuyện với một nhân viên bảo vệ trông có vẻ dễ tính, tán dương thành tích tiêm chủng của Israel khiến cả thế giới học tập, và cuối cùng cũng được mang máy ảnh vào ghi hình.

Đưa tin về cuộc bầu cử quốc hội Israel hồi tháng 3/2021, phóng viên chỉ được vào ghi hình bên ngoài các phòng đặt thùng phiếu.

Bên trong với đội ngũ nhân viên và các quy trình, thủ tục, thiết bị… mới là những hình ảnh hấp dẫn, có giá trị thông tin cao. Máy ảnh, máy quay chuyên dụng đều phải để ngoài vì ban tổ chức không muốn lộ hình ảnh ai bỏ phiếu cho đảng nào.

Tình huống này buộc phóng viên phải đề nghị tổ phục vụ bầu cử cho quay bằng điện thoại, nói rằng họ có thể gọi điện lên cấp trên xin ý kiến.

Hơn 30 phút chờ đợi, kèm theo là cái lắc đầu cũng đủ để phóng viên ghi được một vài hình ảnh đủ dùng, tất nhiên không vi phạm bất cứ quy định nào của ban tổ chức.

Các hình ảnh đều được nhanh chóng đẩy lên “đám mây” nhằm đề phòng nhân viên an ninh cứng nhắc bắt xóa tại chỗ.

Israel là một trong những nước kiểm soát an ninh nơi công cộng nghiêm ngặt nhất. Trụ sở các bộ ngành, tòa nhà quan trọng, thậm chí trong siêu thị cũng lắp đặt máy soi kiểm tra an ninh. Rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh bảo vệ đứng ngoài cổng trường học đeo súng đi lại. Đưa tin tại tòa nhà quốc hội, dù đã đăng ký trước nhưng qua cửa kiểm tra an ninh cũng mất hơn 1 giờ đồng hồ.

Có lần khi phóng viên quay hình bên ngoài khu liên hợp văn phòng các cơ quan chính phủ, ngay lập tức có hai nhân viên an ninh trang bị súng ống từ đầu tới chân, lao ra hỏi giấy tờ và lý do quay chụp.

Sau khi được nghe giải thích, họ vẫn không chịu, tiếp tục gọi điện và lại có 3-4 nhân viên an ninh khác ra hạch sách.

Mỗi lần gặp nhân viên là một lần xuất trình giấy tờ và những câu hỏi giống nhau, thậm chí còn đòi xóa hình trên máy quay.

Phóng viên buộc phải to tiếng và dọa sẽ phản ánh lên Chính phủ Israel về việc gây khó dễ cho phóng viên quốc tế tác nghiệp tại địa bàn, họ mới buông tha.

PV tác nghiệp tại Israel: Môi trường của sự linh hoạt và khéo léo ảnh 2Bức ảnh được chụp tại núi Meron, miền Bắc Israel sau thảm họa giẫm đạp kinh hoàng. (Ảnh: Vũ Hội/Vietnam+)

Lần đưa tin về thảm họa giẫm đạp trong lễ hội tôn giáo khiến 45 người thiệt mạng, chạy xe mấy giờ đồng hồ mới đến nơi mà không có chỗ đỗ xe.

Tạt vào mấy bãi đất trống gần cổng chính dẫn lên khu hành hương đều bị cảnh sát ra đuổi với lý do chỉ dành cho dân địa phương.

Hiện trường vụ tai nạn nằm trên đỉnh núi, thời gian gấp gáp, phóng viên chỉ còn cách “cãi cùn” rằng chỗ này không có biển cấm và nếu vi phạm thì sẽ chấp nhận nộp phạt.

Cũng may vị trí đó không gây cản trở giao thông và cảnh sát cũng không có thời gian để gọi xe cẩu. Tính nguyên tắc của các nhân viên công quyền đôi khi lại chính là điểm yếu để phóng viên 'lách quy định."

Một đất nước luôn dựa trên những nguyên tắc, trong đó nguyên tắc an ninh là trên hết, là môi trường rất tốt để phóng viên an tâm tác nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tác nghiệp không phải là những thí nghiệm khoa học để có thể áp dụng công thức.

Trong một số tình huống cụ thể, phóng viên buộc phải “dày mặt” và khéo léo, linh hoạt bước giữa ranh giới của sự vi phạm và không vi phạm thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục