Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ ký một loạt thỏa thuận, biên bản về quốc phòng

Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ký một loạt thỏa thuận, biên bản về quốc phòng

Hãng QNA của Qatar ngày 14/3 đưa tin nước này ký một loạt thỏa thuận và một biên bản ghi nhớ (MoU) về cung ứng, chuyển giao công nghệ về phòng thủ trên biển và trên bộ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ký một loạt thỏa thuận, biên bản về quốc phòng ảnh 1(Nguồn: dailysabah)

Hãng thông tấn QNA của Qatar ngày 14/3 đưa tin nước này đã ký một loạt thỏa thuận và một biên bản ghi nhớ (MoU) về cung ứng và chuyển giao công nghệ liên quan đến phòng thủ trên biển và trên bộ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các thỏa thuận trên đã được ký kết bên lề Triển lãm và Hội nghị về phòng thủ biển quốc tế Doha, diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar ngày 13/3.

Có 32 công ty quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sự kiện này.

Theo QNA, Bộ Nội vụ Qatar đã ký một MoU với tập đoàn Ares Shipyard của Thổ Nhĩ Kỳ về cung cấp chín tàu biển để củng cố năng lực của các lực lượng biên phòng và bảo vệ biển của Qatar.

Ngoài ra, nhà thầu quốc phòng Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận đối tác với công ty chứng khoán Barzan Holding của Qatar về việc phối hợp sản xuất các hệ thống vũ khí và chuyển giao công nghệ.

[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới Qatar bàn về khủng hoảng vùng Vịnh]

Hai bên cũng đã ký một thỏa thuận xuất khẩu với BMC, một trong các công ty sản xuất ôtô hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp 85 xe bọc thép cho Qatar.

Việc ký kết các thỏa thuận trên diễn ra trong bối cảnh bùng phát khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh từ tháng 6/2017, khi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa Qatar cả về kinh tế và chính trị, với cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố. Doha bác bỏ cáo buộc trên là "vô căn cứ."

Sau đó, bốn nước đã đưa ra một danh sách gồm 13 yêu cầu đối với Doha để chấm dứt khủng hoảng, trong đó có giảm quan hệ với Iran, đóng cửa đài truyền hình Al-Jazeera, lập tức dừng công trình xây dựng một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và cắt mọi quan hệ với các tổ chức mà bốn nước này coi là "khủng bố."

Kể từ khi khủng hoảng bùng nổ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách giúp Qatar phá vỡ thế cô lập, như tăng xuất khẩu lương thực cho nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục