QH thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội

Sáng 8/11, với gần 90% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2011.
Sáng 8/11, các đại biểu Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát và Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015, Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015.

20 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2011-2015

Với gần 90% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 với mục tiêu tổng quát là “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

Theo đó, 20 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2011-2015 được Quốc hội thông qua, gồm: 10 chỉ tiêu kinh tế, 8 chỉ tiêu xã hội và 2 chỉ tiêu môi trường.

Trong đó đáng chú ý là các chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 6,5-7%. Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5-35% GDP. Nhập siêu giảm dần từ năm 2012 và phấn đấu dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015. Bội chi ngân sách Nhà nước đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (đã cộng phần vốn trái phiếu Chính phủ). Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP.

Số lao động được tạo việc làm là 8 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đến năm 2015 dưới 4%. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%.

Quốc hội cũng nhất trí giao Chính phủ xem xét, quyết định các chỉ tiêu khác về kinh tế, xã hội, môi trường và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện hàng năm.

Cùng với các chỉ tiêu chủ yếu, Quốc hội cũng thông qua 9 định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015. Theo đó, một trong các giải pháp quan trọng là thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong ba lĩnh vực quan trọng gồm cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền tiếp tục được tập trung thực hiện thông qua việc triển khai đồng bộ, kiên trì các chính sách về tiền tệ, tài khóa, kiềm chế nhập siêu.

Đặc biệt, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 2011-2015, Quốc hội nhất trí tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng đề ra.

Lồng ghép hợp lý các chương trình mục tiêu quốc gia

Đó là ý kiến của 18 đại biểu tham gia phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn vừa qua còn bất cập, nhiều chỉ tiêu chưa đạt hiệu quả như mong đợi do các chương trình chồng chéo, không lồng ghép được với nhau khiến việc thực hiện bị dàn trải.

Vì vậy, trong giai đoạn tới, Chính phủ nên giảm hoặc ghép một số chương trình liên quan đến giải quyết việc làm, đào tạo nghề vào chung nhóm giảm nghèo; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn nên gộp vào chương trình lớn là mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo đó sẽ chỉ còn 12 chương trình mục tiêu quốc gia là hợp lý. Ông Danh Út đề xuất thành lập một Ban chỉ đạo thống nhất chung cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở xem xét trao quyền cho Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Chỉ ra nguyên nhân khiến Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian vừa qua chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phân tích ngoài việc giải ngân chậm, các chương trình còn thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng, cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, có nhiều dự án thành phần không đủ tiêu chí nhưng vẫn được đưa vào vì mục tiêu được bổ sung thêm kinh phí của các bộ, ngành, địa phương.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhận xét mặc dù trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu, đã đề nghị lồng ghép một số chương trình mục tiêu quốc gia bị trùng lắp để thực hiện hiệu quả hơn (Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới) nhưng dự thảo về Chương trình mục tiêu quốc gia 2011-2015 vẫn đủ 16 chương trình như đề xuất ban đầu của Chính phủ. Với nguồn lực đầu tư có hạn, nếu dàn trải nhiều chương trình, việc triển khai sẽ không hiệu quả.

Vì vậy, Quốc hội cần dành thời gian xây dựng lại các nghị quyết kèm theo thảo luận ở hội trường, ở tổ, thực hiện đúng vai trò phản biện, giám sát của Quốc hội với các hoạt động của Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung đã góp phần giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là giải quyết các vấn đề xã hội; trong đó, đã tập trung chi cho con người, nâng cao cuộc sống của nhân dân với nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, trong 5 năm tới, Chính phủ cần sắp xếp lại theo lĩnh vực cùng với việc phân công quản lý, phân công đầu mối tập trung, khắc phục tình trạng chồng chéo, cơ cấu lại nội dung chi đầu tư và chi thường xuyên, chi sự nghiệp.

Thêm vào đó, Chính phủ cần xác định việc thực hiện mục tiêu quốc gia theo thời gian, sau đó hoàn thành thì đưa vào nội dung chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương. Về số lượng danh mục công trình, Chương trình mục tiêu quốc gia, ý kiến của các đại biểu còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến của Quốc hội biểu quyết vào phiên họp sáng 9/11.

Vốn trái phiếu Chính phủ sử dụng chưa tương xứng

Thảo luận Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Nghị quyết Quốc hội về đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2003 đến nay đã góp phần quan trọng vào đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng.

Tuy nhiên, những tồn tại của việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua đã để lại những hậu quả cần giải quyết rất lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: nhiều công trình, dự án có tổng mức đầu tư tăng cao, vượt quá ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách cần thận trọng và xem xét dựa trên từng dự án cụ thể, có tác dụng đặc biệt tới sự phát triển của từng địa phương, từng vùng, nhất là những địa bàn khó khăn, tỉnh miền núi...

Theo đó, Chương trình xây dựng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 5 năm tới cần xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc để phân bổ nguồn lực hợp lý, công bằng, công khai và minh bạch; đồng thời xác định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương làm tăng quy mô của dự án trái phiếu Chính phủ.

Đồng tình với đánh giá trên nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn cho rằng kết quả đã đạt được còn quá khiêm tốn so với 236.700 tỷ đồng vốn đã đầu tư. Theo ông Trần Hoàng Ngân, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách đã chỉ rõ các hạn chế của chương trình sử dụng vốn trái phiếu như: chất lượng công tác lập quy hoạch ở một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa tính toán chính xác quy mô tổng vốn đầu tư cho các dự án, việc phân bổ, giao kế hoạch chưa sát với thực tế, một số dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư nhưng vẫn đưa vào danh sách bố trí vốn, việc giải quyết vốn cho các bộ, ngành địa phương tự quyết định điều chỉnh quy mô vốn đầu tư nhưng thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều nhiều sai sót...

Với tổng vốn đầu tư dự kiến đầu năm 2003 là 63.064 tỷ đồng, nhưng đến năm 2011 đã lên đến 641.770 tỷ đồng đã gây ra gánh nặng với ngân sách Nhà nước. Báo cáo 4103 của Kiểm toán Nhà nước ngày 1/7/2011 cũng khẳng định công tác lập dự án, phê duyệt dự án còn nhiều sai sót, xác định dự toán sơ sài, thiếu chính xác, ông Ngân dẫn chứng.

Tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm, nhất là với dự án nâng cấp bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực; chưa đào tạo kịp thời đội ngũ cán bộ vận hành các thiết bị tiên tiến để khám chữa bệnh cho nhân dân. Điều này gây lãng phí vốn.

Mặt khác, đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là đầu tư theo dự án nhưng các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội lại chưa rõ ràng, thiếu tiêu chí cụ thể và tính minh bạch. Đặc biệt, công tác đánh giá hiệu quả dự án sau khi đi vào hoạt động chưa được chú trọng; chưa có cơ chế xác định trách nhiệm người lập - thẩm định - phê duyệt - triển khai dự án... khiến một số dự án nghiệm thu xong thì bắt đầu có vấn đề.

Chỉ ra thách thức trong phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2011, ông Ngân lo ngại về việc dự kiến bội chi ngân sách thêm 111.000 tỷ đồng. Theo tính toán, vay vốn trong nước lên tới 83.500 tỷ đồng, phát hành trái phiếu 45.000 tỷ đồng, cộng thêm vay vốn nước ngoài thì tổng số vốn này đã vượt lên trên 128.000 tỷ đồng.

Như vậy, Chính phủ sẽ phát hành nguồn trái phiếu này ở đâu và ai sẽ mua? Đây thực sự là thách thức lớn, nhất là khi mục tiêu ưu tiên hiện nay trong Kế hoạch 2011-2015 vừa dược Quốc hội thông qua là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc phát hành trái phiếu là hình thức gián tiếp để tăng cung tiền làm tăng lạm phát.

Ông Ngân cảnh báo và đề nghị Quốc hội sớm thông qua việc đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào ngân sách Nhà nước để tiện kiểm tra, giám sát từ năm 2013 bởi theo thông lệ, trái phiếu Chính phủ chỉ phát hành để bù đắp bội chi ngân sách, còn các dự án cần huy động vốn thì phát hành trái phiếu công trình và cần phải xã hội hóa các dự án này.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với các ủy ban và cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan của Chính phủ để hoàn chỉnh lại 2 dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015; Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và trình Quốc hội thông qua vào phiên họp sáng 9/11./.

Kim Anh-Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục