Phản ứng trái chiều

QH và chính quyền Mỹ phản ứng trái chiều về Syria

Các nghị sỹ Quốc hội Mỹ gây sức ép với Nhà Trắng can thiệp vào nội chiến ở Syria với lý do quốc gia này bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học.
Các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đang gây sức ép với Nhà Trắng cần can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria với lý do quốc gia Trung Đông này bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama lại tỏ ra hết sức thận trọng trước thực tế Syria đã phát triển được một hệ thống phòng không tầm cỡ thế giới.

Các nghị sỹ hàng đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain kêu gọi Mỹ nên hỗ trợ thiết lập một vùng cấm bay với hoạt động của máy bay không người lái nhằm bảo vệ thường dân và quân nổi dậy tại Syria, đồng thời tăng cường thêm viện trợ nhân đạo cho nước này.

Các nghị sỹ cho rằng chính quyền Tổng thống Obama đang thận trọng về việc tham gia vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông sau các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

[Mỹ tin chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học]

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Obama đang tỏ ra lo ngại về khả năng phòng không của Syria. Trong cuộc họp của Nhà Trắng về các lựa chọn quân sự cho Syria, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey liên tục chỉ ra rằng năng lực phòng không của Tổng thống Bashar al-Assad là trở ngại lớn nhất đối với sự can thiệp của Mỹ vào Syria.

Ông cho biết máy bay tàng hình và tên lửa dẫn đường chính xác phóng từ tàu chiến của Mỹ có thể nhanh chóng phá hủy nhiều khu vực phòng không của Syria. Tuy nhiên, ông cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần chú ý rằng sẽ khó tìm và tiêu diệt các bệ phóng tên lửa di động và việc chúng được đặt trong các trung tâm dân cư sẽ dẫn đến thương vong cho thường dân.

Các quan chức Mỹ cho rằng hệ thống phòng không của Syria đã được Nga hỗ trợ phát triển và hiện đại hóa trong nhiều năm qua nhằm giúp Tổng thống Assad đương đầu với khả năng NATO can thiệp vào Syria như đã làm ở Libya năm 2011 và ở Serbia năm 1998.

Theo một đánh giá nội bộ của tình báo Mỹ, tháng 8/2008, Nga đã bắt đầu chuyển cho Syria hệ thống nhắm mục tiêu kỹ thuật số được đặt trên xe chiến đấu dễ dàng di chuyển gồm tên lửa đất đối không SA-22 Pantsir-S1 cùng súng phòng không 30mm.

Trong năm 2009, Nga bắt đầu nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không SA-3 của Syria thành hệ thống SA-26 Pechora-2M, một hệ thống di động và số hóa được trang bị tên lửa với phạm vi hoạt động hơn 27 km. Ngoài ra, Mỹ đặc biệt lo ngại với hệ thống tên lửa SA-5 với tầm hoạt động gần 282 km có khả năng nhắm tới các máy bay của Mỹ từ đảo Síp, một căn cứ quan trọng của NATO./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục