Quá nhiều rào cản, căng thẳng Mỹ-Iran sẽ bùng phát?

Việc Mỹ liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố - một động thái chưa từng có tiền lệ, làm dấy lên lo ngại các lực lượng của Mỹ sẽ bị tấn công trả đũa.
Quá nhiều rào cản, căng thẳng Mỹ-Iran sẽ bùng phát? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: sputniknews.com)

Theo hãng Reuters/AP/Tân Hoa Xã, ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố - một động thái chưa từng có tiền lệ, vấp phải sự chỉ trích của Iran và làm dấy lên lo ngại các lực lượng của Mỹ sẽ bị tấn công trả đũa.

Đây là lần đầu tiên Washington chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Trump tuyên bố: "IRGC là phương tiện cơ bản của chính phủ Iran để chỉ đạo và thực hiện chiến dịch khủng bố toàn cầu."

Chính quyền của Trump từ lâu đã chỉ trích Iran vì ảnh hưởng của quốc gia này tại Iraq, Syria và Yemen.

Quyết định này của Mỹ, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/4, đã dẫn tới hành động đáp trả ngay lập tức từ phía Iran.

Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran ngày 8/4 đưa tin, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran coi Chính phủ Mỹ là "nhà tài trợ cho khủng bố" và tuyên bố Bộ Chỉ huy Trung tâm của Quân đội Mỹ (CENTCOM) cũng như các lực lượng có liên quan tại Tây Á là "tổ chức khủng bố."

Tân Hoa xã trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước: "Các căn cứ quân sự và các lực lượng quân sự của Mỹ ở khu vực sẽ bị coi là các căn cứ và các lực lượng khủng bố, theo đó sẽ bị đối xử một cách thích hợp."

Những người chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump cho rằng tuyên bố này chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, bởi luật pháp Mỹ đã quy định sẽ phạt tù lên tới 20 năm đối với các cá nhân Mỹ có quan hệ với IRGC, do IRGC có tên trong danh sách Khủng bố Toàn cầu bị liệt kê đặc biệt.

Theo các quan chức Mỹ, các chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ có cùng quan ngại với Tổng thống Trump về Iran và IRGC, nhưng lâu nay họ luôn phản đối việc liệt IRGC vào danh sách khủng bố do lo ngại ảnh hưởng tới các lực lượng của Mỹ tại Trung Đông, và gây ra những vấn đề cho các đối tác của Mỹ vốn có quan hệ với Iran.

[Tổng thống Trump đi nước cờ chưa có tiền lệ với Iran]

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về việc quân đội Mỹ đang làm gì để bảo vệ binh lính Mỹ khỏi sự trả đũa của IRGC hoặc các nhóm phiến quân có mối quan hệ với Iran đang hoạt động ở những nơi như Iraq.

Các quan chức Mỹ, yêu cầu giấu tên, nói rằng việc liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố không có nghĩa rằng quân đội Mỹ sẽ bắt đầu đối xử với lực lượng này như al-Qaeda, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hay các nhóm phiến quân khác.

Một trong số các quan chức này nói: "Điều này không phải sẽ dẫn tới chiến tranh với Iran hay giết hại một nhóm những người Iran. Hoàn toàn không phải vậy" và nói thêm rằng quân đội Mỹ chưa nhận được bất kỳ chỉ thị mới nào "truy đuổi" các lực lượng của Iran.

Ba quan chức của Iran cũng cho biết, bất chấp giọng điệu khắc nghiệt của Tehran, phản ứng của Iran sẽ chỉ là "ngoại giao và ở mức vừa phải."

Jason Blazakis, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, bày tỏ tin tưởng rằng việc liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố hoàn toàn chỉ là động thái mang tính biểu tượng và vì những lý do chính trị nội bộ, song điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho quân đội Mỹ.

Ông cho rằng động thái này có thể khiếm Qassem Soleimani, chỉ huy quyền lực của lực lượng Quds - tổ chức bán quân sự tình báo nước ngoài của IRGC, cho phép những phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite do IRGC kiểm soát tiến hành các hoạt động trả đũa lực lượng Mỹ ở Iraq.

Theo ông Blazakis, "lợi ích về mặt lý thuyết" duy nhất của việc liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố là giúp Bộ Tư pháp Mỹ dễ dàng hơn một chút trong việc truy tố những người có hoạt động hỗ trợ IRGC.

Bộ Tư pháp Mỹ đã có trong tay thẩm quyền làm điều này theo một sắc lệnh hành pháp do cựu Tổng thống George W.Bush ký ngay sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Trong khi đó, Trita Parsi, người sáng lập Hội đồng quốc gia Mỹ-Iran, cho rằng động thái này sẽ mở đầu cho một cuộc xung đột.

Nhà phân tích này nói: "Động thái này đã đóng lại một cách cửa khác để giải quyết căng thẳng với Iran một cách hòa bình. Một khi tất cả các cánh cửa bị khép lại, các biện pháp ngoại giao sẽ không còn tác dụng, chiến tranh sẽ trở thành điều không thể tránh khỏi."

Hành động vì An ninh Quốc gia, một tổ chức gồm chủ yếu là các cựu quan chức của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng động thái vừa qua của Tổng thống Trump sẽ khiến binh lính Mỹ đứng trước rủi ro.

Tổ chức này gọi việc liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố là "một thất sách nguy hiểm, khiến bính linh Mỹ phải chịu rủi ro, và không phục vụ lợi ích gì ngoài mục tiêu phá hủy thỏa thuận với Iran của chính quyền Trump."

IRGC chịu trách nhiệm về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran. Tehran từng cảnh báo rằng Iran có những tên lửa có tầm bắn lên tới 2.000km, đặt các căn cứ quân sự của Israel và Mỹ tại khu vực hoàn toàn nằm trong tầm với.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu - người được cho là sẽ tái đắc cử vào ngày 9/4 - đã nhiệt liệt hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Trump.

Ông viết trên trang Twitter: "Cảm ơn ngài, người bạn thân thiết của tôi, Tổng thống Mỹ Donald Trump... vì đã đáp ứng thêm một yêu cầu quan trọng khác của tôi."

Được thành lập sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran nhằm bảo vệ hệ thống cầm quyền theo dòng Shi'ite, IRGC có ảnh hưởng to lớn đối với hệ thống chính trị của Iran, kiểm soát cả nền kinh tế và các lực lượng vũ trang của nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng việc liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bộ nhằm mục đích tăng sức ép lên Iran, cô lập quốc gia này hơn nữa và làm suy giảm một số nguồn tài chính mà Teheran sử dụng để hỗ trợ khủng bố và các hoạt động quân sự ở Trung Đông và các khu vực khác.

Tân Hoa xã trích lời ông Pompeo nói: "Các doanh nghiệp và ngân hàng trên thế giới hiện có nghĩa vụ rõ ràng là phải đảm bảo rằng các công ty mà họ tiến hành giao dịch tài chính không có mối liên hệ với IRGC dưới bất kỳ hình thức nào."

Các lệnh trừng phạt đối với IRGC không có trường hợp ngoại lệ nào, có nghĩa rằng các binh lính và các nhà ngoại giao Mỹ có thể sẽ bị cấm trao đổi với các nhà cầm quyền Iraq và Lebanon - những người có quan hệ với các quan chức IRGC hay những đại diện của lực lượng này.

Tại Iraq, Mỹ phải đối phó với các lực lượng phiến quân người Shi'ite có quan hệ với Iran, còn ở Lebanon, phong trào Hezbollah được Iran hậu thuẫn đang có mặt trong quốc hội và chính quyền.

Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của việc liệt IRGC vào danh sách khủng bố nếu động thái này dẫn tới việc cấm liên lạc với các quan chức nước ngoài khác - những người đã gặp gỡ hoặc có trao đổi với các thành viên của IRGC.

Những lo ngại này chính là một phần lý do đã khiến các chính quyền tiền nhiệm không thực hiện bước đi này, vốn đã được cân nhắc trong hơn 1 thập kỷ qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục