Bài toán nan giải

Quá tải bệnh viện - Bài toán nan giải của ngành y tế

Mặc dù ngành y tế đã tăng thêm số giường bệnh, mở rộng loại hình điều trị nhưng tình trạng quá tải bệnh viện vẫn chưa được giải quyết.
Thời gian qua, mặc dù ngành y tế đã tăng thêm số giường bệnh, mở rộng loại hình điều trị ngoại trú và triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám chữa bệnh, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến thủ tục hành chính... nhưng tình trạng quá tải tại các bệnh viện vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều bệnh viện, đặc biệt là tuyến Trung ương vẫn quá tải trầm trọng; công suất sử dụng giường bệnh cao, người bệnh phải chờ đợi hàng giờ mới được khám chữa bệnh.

Công suất sử dụng giường bệnh chung đã vượt quá ngưỡng

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều bằng chứng khoa học khuyến cáo để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của dịch vụ trong hoạt động của hệ thống khám, chữa bệnh, công suất sử dụng giường bệnh không nên vượt quá 85%.

Khi công suất sử dụng giường bệnh vượt quá ngưỡng trên, đặc biệt khi công suất vượt trên 95% sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng không đủ giường bệnh để tiếp nhận thêm người bệnh, xuất hiện tình trạng quá tải về sức chứa của bệnh viện.

Ở Việt Nam, thống kê năm 2012 cho thấy công suất sử dụng giường bệnh thực kê đều vượt quá 100% ở các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện tuyến tỉnh (101,2%); các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện ngành mặc dù không vượt quá 100% nhưng công suất giường bệnh cũng rất cao (95,5% ở bệnh viện tuyến huyện; 92,4% ở bệnh viện ngành). Công suất sử dụng giường bệnh chung toàn tuyến là 99,4%.

Báo cáo thống kê hoạt động bệnh viện năm 2012 cho thấy nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tại các tuyến tiếp tục gia tăng. Số lượt khám bệnh năm 2012 tăng 6,8% so với năm 2011; đặc biệt, các bệnh viện tư nhân đã tăng 19%.

Năm 2012, có 132 triệu lượt người bệnh đã tới khám bệnh tại các cơ sở bệnh viện; trong đó, người dân khám tại các bệnh viện trực thuộc Bộ chiếm 7,4%; tuyến huyện vẫn là tuyến đáp ứng nhu cầu khám bệnh lớn nhất, tiếp đến là bệnh viện tuyến tỉnh 41,6% và bệnh viện trực thuộc Bộ 11,1%.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tình trạng quá tải bệnh viện ngày càng trở nên trầm trọng; người bệnh điều trị nội trú phải nằm ghép đôi, thậm chí 3 đến 4 người trên một giường bệnh ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của các thành phố lớn thuộc các chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, nhi, sản, chấn thương chỉnh hình.

Tình trạng quá tải bệnh viện bắt đầu xảy ra từ những năm cuối của thập kỷ 90 và ngày càng có xu hướng gia tăng; đặc biệt là ở khu vực điều trị nội trú.

Qua số liệu năm 2011 cho thấy công suất sử dụng giường bệnh ở một số bệnh viện tuyến Trung ương rất cao như Bệnh viện K 249%, Bệnh viện Bạch Mai 168%, Bệnh viện Chợ Rẫy 154%, Bệnh viện Nhi Trung ương 120%, Bệnh viện Phụ sản Trung ương 124%...

Nguyên nhân của tình trạng quá tải bệnh viện là do đầu tư kết cấu hạ tầng bệnh viện chưa đáp ứng với nhu cầu và tốc độ phát triển dân số; năng lực về công tác khám chữa bệnh của tuyến dưới về chuyên môn và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; cơ chế tài chính và tác động không mong muốn của một số chính sách; tăng gánh nặng bệnh tật và nhu cầu khám chữa bệnh; tâm lý lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến trên của người dân...

Giải pháp giảm quá tải bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế đã trình và được Chính phủ phê duyệt nhiều Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020.

Mục tiêu của đề án là từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám chữa bệnh và điều trị nội trú; phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện; trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh Đề án "Giảm tải bệnh viện" gồm có nhiều giải pháp; trước mắt, ngành y tế thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng chỉ thị và một loạt các chính sách ban hành về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bao gồm cải cách tất cả các thủ tục khám chữa bệnh ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4-7 giờ còn trung bình khoảng 2, 3 đến 4 giờ tùy theo loại khám thông thường hay khám có xét nghiệm thăm dò chức năng... và cũng giảm bớt số chữ ký.

Hơn nữa, với việc điều chỉnh giá dịch vụ vừa qua thì các bệnh viện yêu cầu phải mở thêm các bàn khám bệnh, ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh; thêm nhiều bàn chỉ dẫn và bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng với nơi khám bệnh để bệnh nhân không phải mất thời gian đi lại.

Theo đó, Đề án triển khai nhằm giảm công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (>120%) thuộc tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xuống dưới 100%; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015. Phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện; bảo đảm mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/ ngày làm việc (năm 2015) và 35 người bệnh/ngày (năm 2020)...

Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết năm 2013, ngành y tế sẽ triển khai có hiệu quả Đề án "Giảm quá tải bệnh viện"; nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện của các tuyến, trong đó đặc biệt hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh; khuyến khích xã hội hóa công tác khám chữa bệnh; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các có sở khám chữa bệnh; phát triển, đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh. Đồng thời, nâng cao y đức, tinh thần thái độ chăm sóc người bệnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh.../.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục