Quá tải đơn đặt hàng vắcxin phòng cúm H1N1

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo có thể sẽ không có đủ vắcxin phòng cúm A/H1N1 để đáp ứng tất cả đơn đặt hàng trên thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/8 khuyến cáo có thể sẽ không có đủ vắcxin phòng cúm A/H1N1 để đáp ứng tất cả đơn đặt hàng trên thế giới.

WHO kêu gọi các nước tiếp tục tăng cường dự trữ Tamiflu để điều trị cho người nhiễm cúm A/H1N1 trong các đợt bùng phát dịch sau này.

Người phát ngôn WHO Melinda Henry cho biết các nước ở bán cầu Bắc đã đặt mua hơn một tỷ liều vắcxin phòng cúm A/H1N1. Đáng chú ý, Hy Lạp, Hà lan, Canada và Israel đã đặt mua đủ liều hai mũi cho toàn bộ người dân trong nước.

Những nước khác như Đức, Mỹ, Anh và Pháp đặt mua đủ để tiêm phòng cho từ 30% đến 78% dân số.

Trong khi đó, theo thông báo tháng 7 vừa qua của WHO, 25 công ty bào chế vắcxin trên thế giới chỉ có thể sản xuất 94 triệu liều vắcxin phòng cúm A/H1N1/tuần, bắt đầu từ giữa tháng 10 tới.

Tuy nhiên, thực tế, sản lượng này không nhiều như vậy do hơn 10 hãng bào chế vắcxin lớn vừa qua cho rằng virus cúm A/H1N1 không lây lan nhanh như dự đoán ban đầu nên không cần thiết phải "khẩn cấp" sản xuất vắcxin như dự kiến.

Theo bà Henry, sản lượng sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1 hiện dự kiến chỉ ở mức 23 triệu liều/tuần. Hơn nữa, cho đến nay, chưa công ty nào xác định được một liều gồm một hay hai mũi tiêm là đủ để cơ thể miễn dịch với virus cúm A/H1N1.

Bà Henry khẳng định trong thời gian đầu sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1, nguồn cung sẽ rất hạn chế, không thể đủ để tiêm phòng dịch cho phần đông, chưa nói đến tất cả dân chúng thế giới.

Trong bối cảnh nhu cầu lớn, kết hợp với các kế hoạch trì hoãn sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vắcxin, WHO khuyến cáo các nước nên xem xét tình hình dịch bệnh cụ thể để quyết định có tiêm phòng dịch cho người dân hay không, cũng như xác định đối tượng được ưu tiên tiêm phòng.

WHO cũng đề nghị các nước duy trì các kho thuốc chống cúm Tamiflu, được dự trữ từ năm 2002 sau khi bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, để điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1 trong các đợt phát dịch vào mùa Đông tới.

Nhằm đối phó nguy cơ thiếu thuốc phòng và điều trị cúm A/H1N1, các nước Liên minh châu Âu đã cho phép kéo dài thời hạn sử dụng Relenza, loại thuốc trị cúm A/H1N1 thứ hai ngoài Tamiflu, từ 5 lên 7 năm.

Các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Khu hành chính đặc biệt Hongkong của Trung Quốc và Australia cũng quyết định kéo dài thời hạn sử dụng đối với Tamiflu. WHO đã chấp thuận các quyết định này.

Hãng dược phẩm Roche đã cấp phép để một số hãng dược khác sản xuất Tamiflu và tăng sản lượng Tamiflu của công ty lên khoảng 400 triệu liều/năm./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục