Có rất nhiều cách khác nhau để người Hà Nội bày tỏ tấm thịnh tình với du khách về dự Đại lễ. Giản đơn nhất chỉ là bức tranh nhỏ vẽ Tháp Rùa trầm mặc soi bóng Hồ Gươm hoặc cầu kỳ hơn là những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo mang hồn vía cả ngàn năm văn hóa.
Lại có cả nụ cười móm mém của cụ già sẵn sàng làm hướng dẫn viên khi khách hỏi đường hay lời chào thân thiện của thiếu nữ Hà thành... Tất cả đều là quà tặng du khách của những tâm hồn yêu Hà Nội ngàn năm.
Gửi hồn Thăng Long vào lòng quà tặng
Những ngày này, bước chân vào phố cổ, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một không gian rất riêng mà chỉ Hà Nội mới có được. Trời mùa thu trong vắt, nắng vàng chiếu xuống những bức tường cổ kính rêu phong. Dọc lối đi của khách, những món quà đặc trưng cho ngày Đại lễ cũng đã được giới tiểu thương bày la liệt.
Dạo quanh các tuyến phố chuyên kinh doanh đồ lưu niệm ở Hà Nội như Hàng Gai, Lương Văn Can, Tô Tịch…, theo ghi nhận của chúng tôi, đã có rất nhiều mặt hàng lưu niệm được bày bán.
Các sản phẩm bày bán chủ yếu là đĩa sơn mài, tranh chạm khắc gỗ, áo dài, nón bài thơ… được các nghệ nhân tại các làng nghề truyền thống thổi hồn vào và thể hiện những họa tiết chủ đạo của những danh lam thắng cảnh mà chỉ cần nhìn vào đó, du khách có thể cảm nhận được nét hào khí Thăng Long.
Bà Nguyễn Thị Hà, chủ shop lưu niệm trên phố Hàng Gai cho biết: "Ngay từ tháng Tám tôi đã cho in Tháp Rùa và dòng chữ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội lên một số sản phẩm như đĩa sơn mài, hộp đựng đồ trang điểm, hộp đựng nữ trang, xe xích lô, xe đạp cổ, túi thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách."
Cũng theo bà Hà, những món quà được “ưu ái” nhất đều chứa trong lòng nó những nét văn hóa đặc trưng mà chỉ ở Hà Nội mới có.
Cầm trên tay chiếc đĩa đồng in nổi hình Khuê Văn Các trầm mặc, bà Hà chia sẻ, ngay cả một người Hà Nội gốc như bà mỗi lần nhìn thấy những hình ảnh này vẫn còn thấy tự hào về giá trị lịch sử.
“Cũng vì lý do này, cửa hàng chúng tôi chuyên bán những sản phẩm mà chỉ cần nhìn vào, du khách đã có thể cảm nhận được hồn vía 1.000 năm Thăng Long trong đó,” bà Hà nói.
Du khách quốc tế đặc biệt ưa chuộng những món quà lưu niệm làm bằng tay do các làng nghề truyền thống ở Việt Nam sản xuất… Anh Michel Taylor, du khách đến từ Australia tỏ ra rất thích thú khi mua được bức tranh sơn mài vẽ lại những con đường hai hàng rợp bóng cây, ẩn hiện trong đó là những mái nhà cổ kính bởi màu thời gian.
Anh Taylor chia sẻ: "Hà Nội đẹp ở mọi góc nhìn, Hà Nội đẹp ở nét cổ kính của ba mươi sáu phố phường, đẹp ở vẻ hiện đại trẻ trung của một thành phố đang vươn mình tới thế giới, đẹp ở vẻ thanh bình của những chiều thu dạo quanh Bờ Hồ và đẹp trong tâm trí những người mà tôi gặp."
Đón du khách bằng cả tấm lòng
Ngồi lặng thinh trên chiếc ghế đá ven Hồ Hoàn Kiếm, cụ Nguyễn Văn Hoàn đưa mắt nhìn dòn người vẫn ồn ào qua lại. Trong ký ức của cụ, cho đến tận bây giờ, Hà Nội vẫn giản đơn là hàng cây sấu già dọc đường Trần Hưng Đạo, là mùi hoa sữa thoang thoảng phố Nguyễn Du mỗi độ thu về. Nhưng đối với những người đã được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, đó mới là những nét đặc trưng nhất của Thủ đô. Và họ muốn mang những góc nhỏ ấy để đón chào du khách từ mọi miền thế giới.
Vừa móm mém cười, cụ vừa bảo, nếu bất chợt có một du khách nào có ý định muốn đi tìm những nơi “Hà Nội nhất,” cụ sẽ tình nguyện làm một hướng dẫn viên tận tình.
“Người ta vẫn nhắc Hà Nội với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Khuê Văn Các… Nhưng, tôi muốn du khách biết một gương mặt khác của thành phố này. Đó là những con ngõ nhỏ sâu hun hút, là cây đa phố Hàng Gai với đình Cổ Vũ…" cụ Hoàn nói.
Không chỉ cụ Hoàn, rất nhiều người Hà Nội đều sẽ gửi tặng du khách cả một tấm chân tình. Em Nguyễn Khánh Phương, tình nguyện viên phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long chia sẻ: “Với những người Hà Nội trẻ, chúng em sẽ cố gắng hết sức mình để góp phần mang lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách về Thủ đô.”
Với Phương, Hà Nội còn là mùa hoa sấu rụng, là những ngày hè, đạp xe qua đường Hoàng Diệu rợp bóng cây với những bông hoa sấu trắng ngần nhỏ xíu rụng li ti trên đường, yêu cái mùi hương thoang thoảng của những “thiên thần ấy.”
Trong mỗi người yêu Hà Nội, nhà ở phố cổ mỗi cái một vẻ, không cái nào giống cái nào, nhà nào cũng nhỏ xíu, sâu hun hút và thấp bằng bằng. Đó là nét riêng của kiến trúc Hà Nội.
Cũng theo Phương, điều quan trọng nhất là em cùng các bạn sẽ gửi đến bạn bè quốc tế một hình ảnh Hà Nội thịnh tình mến khách.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Đức (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), du khách, đặc biệt là du khách quốc tế vẫn muốn tìm ở Hà Nội những nét riêng mà không có trong những tài liệu hướng dẫn du lịch. Có thể, chỉ cần một lời chào thân thiện, một nụ cười nhoẻn trên môi người thiếu nữ Hà thành… chúng ta cũng đã có thể tạo ấn tượng về Thủ đô hòa bình.
“Gửi hồn văn hóa 1000 năm vào quà tặng hay giới thiệu Hà Nội ở những góc riêng biệt, xét cho đến cùng cũng là cách chúng ta mở lòng, trao thịnh tình, đón chờ Đại lễ,” ông Đức nhận định./.
Lại có cả nụ cười móm mém của cụ già sẵn sàng làm hướng dẫn viên khi khách hỏi đường hay lời chào thân thiện của thiếu nữ Hà thành... Tất cả đều là quà tặng du khách của những tâm hồn yêu Hà Nội ngàn năm.
Gửi hồn Thăng Long vào lòng quà tặng
Những ngày này, bước chân vào phố cổ, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một không gian rất riêng mà chỉ Hà Nội mới có được. Trời mùa thu trong vắt, nắng vàng chiếu xuống những bức tường cổ kính rêu phong. Dọc lối đi của khách, những món quà đặc trưng cho ngày Đại lễ cũng đã được giới tiểu thương bày la liệt.
Dạo quanh các tuyến phố chuyên kinh doanh đồ lưu niệm ở Hà Nội như Hàng Gai, Lương Văn Can, Tô Tịch…, theo ghi nhận của chúng tôi, đã có rất nhiều mặt hàng lưu niệm được bày bán.
Các sản phẩm bày bán chủ yếu là đĩa sơn mài, tranh chạm khắc gỗ, áo dài, nón bài thơ… được các nghệ nhân tại các làng nghề truyền thống thổi hồn vào và thể hiện những họa tiết chủ đạo của những danh lam thắng cảnh mà chỉ cần nhìn vào đó, du khách có thể cảm nhận được nét hào khí Thăng Long.
Bà Nguyễn Thị Hà, chủ shop lưu niệm trên phố Hàng Gai cho biết: "Ngay từ tháng Tám tôi đã cho in Tháp Rùa và dòng chữ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội lên một số sản phẩm như đĩa sơn mài, hộp đựng đồ trang điểm, hộp đựng nữ trang, xe xích lô, xe đạp cổ, túi thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách."
Cũng theo bà Hà, những món quà được “ưu ái” nhất đều chứa trong lòng nó những nét văn hóa đặc trưng mà chỉ ở Hà Nội mới có.
Cầm trên tay chiếc đĩa đồng in nổi hình Khuê Văn Các trầm mặc, bà Hà chia sẻ, ngay cả một người Hà Nội gốc như bà mỗi lần nhìn thấy những hình ảnh này vẫn còn thấy tự hào về giá trị lịch sử.
“Cũng vì lý do này, cửa hàng chúng tôi chuyên bán những sản phẩm mà chỉ cần nhìn vào, du khách đã có thể cảm nhận được hồn vía 1.000 năm Thăng Long trong đó,” bà Hà nói.
Du khách quốc tế đặc biệt ưa chuộng những món quà lưu niệm làm bằng tay do các làng nghề truyền thống ở Việt Nam sản xuất… Anh Michel Taylor, du khách đến từ Australia tỏ ra rất thích thú khi mua được bức tranh sơn mài vẽ lại những con đường hai hàng rợp bóng cây, ẩn hiện trong đó là những mái nhà cổ kính bởi màu thời gian.
Anh Taylor chia sẻ: "Hà Nội đẹp ở mọi góc nhìn, Hà Nội đẹp ở nét cổ kính của ba mươi sáu phố phường, đẹp ở vẻ hiện đại trẻ trung của một thành phố đang vươn mình tới thế giới, đẹp ở vẻ thanh bình của những chiều thu dạo quanh Bờ Hồ và đẹp trong tâm trí những người mà tôi gặp."
Đón du khách bằng cả tấm lòng
Ngồi lặng thinh trên chiếc ghế đá ven Hồ Hoàn Kiếm, cụ Nguyễn Văn Hoàn đưa mắt nhìn dòn người vẫn ồn ào qua lại. Trong ký ức của cụ, cho đến tận bây giờ, Hà Nội vẫn giản đơn là hàng cây sấu già dọc đường Trần Hưng Đạo, là mùi hoa sữa thoang thoảng phố Nguyễn Du mỗi độ thu về. Nhưng đối với những người đã được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, đó mới là những nét đặc trưng nhất của Thủ đô. Và họ muốn mang những góc nhỏ ấy để đón chào du khách từ mọi miền thế giới.
Vừa móm mém cười, cụ vừa bảo, nếu bất chợt có một du khách nào có ý định muốn đi tìm những nơi “Hà Nội nhất,” cụ sẽ tình nguyện làm một hướng dẫn viên tận tình.
“Người ta vẫn nhắc Hà Nội với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Khuê Văn Các… Nhưng, tôi muốn du khách biết một gương mặt khác của thành phố này. Đó là những con ngõ nhỏ sâu hun hút, là cây đa phố Hàng Gai với đình Cổ Vũ…" cụ Hoàn nói.
Không chỉ cụ Hoàn, rất nhiều người Hà Nội đều sẽ gửi tặng du khách cả một tấm chân tình. Em Nguyễn Khánh Phương, tình nguyện viên phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long chia sẻ: “Với những người Hà Nội trẻ, chúng em sẽ cố gắng hết sức mình để góp phần mang lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách về Thủ đô.”
Với Phương, Hà Nội còn là mùa hoa sấu rụng, là những ngày hè, đạp xe qua đường Hoàng Diệu rợp bóng cây với những bông hoa sấu trắng ngần nhỏ xíu rụng li ti trên đường, yêu cái mùi hương thoang thoảng của những “thiên thần ấy.”
Trong mỗi người yêu Hà Nội, nhà ở phố cổ mỗi cái một vẻ, không cái nào giống cái nào, nhà nào cũng nhỏ xíu, sâu hun hút và thấp bằng bằng. Đó là nét riêng của kiến trúc Hà Nội.
Cũng theo Phương, điều quan trọng nhất là em cùng các bạn sẽ gửi đến bạn bè quốc tế một hình ảnh Hà Nội thịnh tình mến khách.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Đức (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), du khách, đặc biệt là du khách quốc tế vẫn muốn tìm ở Hà Nội những nét riêng mà không có trong những tài liệu hướng dẫn du lịch. Có thể, chỉ cần một lời chào thân thiện, một nụ cười nhoẻn trên môi người thiếu nữ Hà thành… chúng ta cũng đã có thể tạo ấn tượng về Thủ đô hòa bình.
“Gửi hồn văn hóa 1000 năm vào quà tặng hay giới thiệu Hà Nội ở những góc riêng biệt, xét cho đến cùng cũng là cách chúng ta mở lòng, trao thịnh tình, đón chờ Đại lễ,” ông Đức nhận định./.
Sơn Bách - Mạnh Hùng (Vietnam+)