Quá trình kiểm soát tải trọng xe đã phát sinh nhiều khó khăn

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá sau 3 tháng triển khai, quá trình kiểm soát tải trọng xe đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập và diễn biến phức tạp.
Quá trình kiểm soát tải trọng xe đã phát sinh nhiều khó khăn ảnh 1Xe qua trạm cân lưu động trên tuyến Quốc lộ 51 qua Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Phát biểu “Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về chính sách vận tải năm 2014” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 3/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết công tác kiểm soát tải trọng xe sau 3 tháng ra quân, các trạm kiểm tra tải trọng xe đã phát hiện, lập biên bản hơn 16.000 trường hợp vi phạm. Ý thức chấp hành quy định về tải trọng của các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe đã được nâng lên. Số lượng phương tiện chở quá tải bước đầu đã giảm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng thừa nhận quá trình kiểm soát tải trọng xe đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập và diễn biến phức tạp. Ý thức chấp hành các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ôtô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém; tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải. Một số tỉnh còn khó khăn về vị trí, mặt bằng đặt trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; thiếu lực lượng, nhân sự để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện theo chế độ 24/7. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bố trí, chi trả hoặc chưa được bố trí kinh phí cho các lực lượng làm việc tại trạm.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, chủ xe còn gặp một số khó khăn vướng mắc về cách tính tổng trọng lượng cho phép tham gia giao thông, các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm hành chính.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết, Hiệp hội hoàn toàn ủng hộ việc kiểm soát tải trọng xe. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp hội viên trọng hiệp hội gặp rất nhiều khó khăn do quy định không thống nhất bởi tải trọng cho phép tham gia giao thông của các sơ mi rơ moóc ghi trong sổ kiểm định thấp hơn so với tải trọng thiết kế.

Do đó, nhiều phương tiện không vận chuyển được hàng container nhập khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt, quy định xử lý phạt tải trọng đầu trục đã gây hoang mang cho các doanh nghiệp, vì ngoài việc bị xử lý phạt lái xe còn bị treo bằng 2 tháng, doanh nghiệp không biết lựa chọn xếp hàng hóa như thế nào để tránh bị xử lý khi tham gia giao thông.

Ông Lê Văn Tiến kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các trạm cân kiểm tra tải trọng xe không xử lý lỗi quá tải trọng trục xe nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải tỏa hàng hóa đang bị ách tắc tại Cảng.

Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà (Hà Nội), Hoàng Quang Ngọc, chia sẻ: Sau một thời gian triển khai kiểm soát tải trọng xe, thực tế đã bắt đầu bộc lộ những bất cập liên quan đến vấn đề giấy tờ đăng kiểm phương tiện không phù hợp với Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải về tải trọng xe, đặc biệt đối với tổ hợp đầu kéo, sơmi rơmoóc.

“Vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là việc điều chỉnh các thông số về giấy tờ đăng kiểm. Trong Thông tư 03 quy định tổ hợp đầu kéo sơ mi rơ moóc 5 trục chở được 40 tấn, 6 trục chở được 48 tấn, vậy theo Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ nào để cấp đăng kiểm cho loại xe này” - ông Hoàng Quang Ngọc đặt vấn đề.

Ông Hoàng Quang Ngọc cho biết, doanh nghiệp đã mua rất nhiều rơmoóc chở hàng, trong khi đó, cơ quan đăng kiểm chưa đưa ra thông số chuẩn để doanh nghiệp làm theo. Nhưng đến khi chạy xe doanh nghiệp đã bị phạt rất nhiều. Vì vậy, cơ quan đăng kiểm cần có một quy chuẩn chung để doanh nghiệp đối chiếu.

Tổng Giám đốc Tân cảng Sài Gòn Lê Tuấn Anh phản ánh, việc kiểm tra tải trọng thực hiện chủ yếu là ban ngày, ban đêm còn lơ là nên nhiều chủ hàng lợi dụng sơ hở này để giao hàng ban đêm, vì vậy, đề nghị kiểm tra đồng bộ, thường xuyên để chủ phương tiện không tránh né.

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm chia sẻ: nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ nên đã có thắc mắc với đăng kiểm. Cụ thể, như trường hợp nhìn 2 xe giống nhau, kích thước giống nhau nhưng tải trọng cho phép chở khác nhau vì 2 xe có chiều dài cơ sở khác nhau. Chiều dài cơ sở khác nhau khiến việc phân bố tải trục sau khác nhau.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội. Bộ Giao thông Vận tải sẽ cho xử lý ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền, nhưng vấn đề không thuộc thầm quyền, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết ngay.

Bộ trưởng khẳng định việc siết chặt xe quá tải trọng để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, song cũng phải đảm bảo cho thị trường vận tải phát triển tốt. Siết chặt quản lý và tải trọng xe nhưng không được làm tăng chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp vận tải. Người đứng đầu ngành giao thông vận tải thừa nhận, một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh doanh vận tải còn bất cập, chưa rõ gây bất lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy Bộ Giao thông Vận tải sẽ sớm rà soát đề nghị sửa đổi.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: “Từ ngày 4/7 sẽ không phạt doanh nghiệp có xe vượt tải trọng trục”. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục