Quá trình phục hồi của Singapore hậu COVID-19: Cơ hội và thách thức

Singapore đã biến cuộc khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội duy nhất để phát triển những lĩnh vực tăng trưởng mới và làm sâu sắc các mối liên kết với nền kinh tế toàn cầu.
Quá trình phục hồi của Singapore hậu COVID-19: Cơ hội và thách thức ảnh 1Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bài viết đăng trên báo The Straits Times số ra gần đây đã trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Công thương Singapore Gan Kim Yong tại Quốc hội, trong đó cho hay đại dịch COVID-19 đã tàn phá hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, song những nền kinh tế biết tận dụng cơ hội để thích nghi và chuyển đổi sẽ bứt lên mạnh mẽ hơn.

Singapore đã biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội duy nhất để phát triển những lĩnh vực tăng trưởng mới và làm sâu sắc các mối liên kết với nền kinh tế toàn cầu.

Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính nước này Lawrence Wong cho rằng những sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường bên ngoài sẽ có những tác động sâu sắc đến Singapore. Vậy đâu là những cơ hội và thách thức đối với Singapore trong quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19?

Triển vọng khu vực trong bối cảnh bùng nổ kỹ thuật số

So với các cuộc khủng hoảng trước đây, các chính phủ Đông Nam Á đã thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng hơn để đối phó với COVID-19. Những chính sách này đóng vai trò then chốt trong việc hạn chế hậu quả của dịch bệnh. Sự gia tăng nhu cầu toàn cầu đối với trang thiết bị bảo hộ cá nhân, đồ điện tử và các hàng hóa phục vụ cho làm việc tại nhà đã thúc đẩy xuất khẩu khu vực.

Nhưng với "tâm chấn" của đợt bùng phát này đang chuyển sang Indonesia và Singapore, hai nước vốn đang phải vật lộn đối phó với các ổ lây nhiễm mới, câu hỏi đặt ra vẫn là liệu khu vực này có thể ngăn chặn được virus SARS-CoV-2 hay không.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á năm 2021 xuống còn 4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng Tư.

Điều này đồng nghĩa rằng có ít khả năng vào cuối năm nay, khu vực có thể trở lại mức tăng trưởng GDP như hồi trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

[Singapore phục hồi kinh tế từ suy thoái nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro]

Tuy nhiên, một điểm sáng trong bối cảnh đầy bất trắc này là nền kinh tế số. COVID-19 đã đẩy nhanh việc ứng dụng số hóa trên toàn cầu trong năm vừa qua. Theo nghiên cứu của Bain, Google và Temasek, có hơn 30% người sử dụng các dịch vụ số mới.

Ở trong nước, Chính phủ Singapore có kế hoạch ra mắt hai mạng 5G - kết nối Internet di động thế hệ tiếp theo với tốc độ nhanh hơn - trên khắp Đảo quốc Sư tử vào năm 2025.

Singapore cũng giành vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu của công ty dịch vụ chuyên nghiệp KPMG về các trung tâm đổi mới công nghệ hàng đầu bên ngoài Thung lũng Silicon/San Francisco trong năm thứ hai liên tiếp.

Nước này đang tăng cường mạng lưới các thỏa thuận kinh tế số, mới nhất là thỏa thuận với Vương quốc Anh trong việc thiết lập quy tắc cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới và đảm bảo bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ.

Singapore cũng đã đi đầu trong sản xuất tiên tiến - đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, hóa sinh và hóa dầu - và đã khuyến khích quá trình số hóa thông qua các chính sách khuyến khích và thuế.

Sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn dẫn đến việc sản xuất ô tô bị đình trệ trên toàn thế giới trong năm nay. Các sản phẩm phụ thuộc vào chip khác như máy tính, thiết bị y tế và điện thoại thông minh cũng đối mặt với sự chậm trễ.

Trong khi đó, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đối với xuất khẩu vaccine đã làm gián đoạn các nỗ lực toàn cầu nhằm tiêm chủng cho người dân.

Trước nguy cơ bị phụ thuộc vào chỉ một số ít thị trường cho cung cầu, chính phủ tại nhiều nước trên thế giới đang chuyển từ theo đuổi tính hiệu quả sang sự tập trung mới vào khả năng phục hồi và tự lực. Singapore đã gặt hái được những lợi ích từ những sự chuyển đổi toàn cầu này, khi nhiều công ty hướng tới đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.

Tháng Sáu vừa qua, nhà sản xuất chất bán dẫn GlobalFoundries có trụ sở tại Mỹ đã công bố họ sẽ đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Singapore.

Trước đó vào tháng Hai, Singapore đã phát động Liên minh sản xuất Đông Nam Á để các nhà sản xuất toàn cầu tận dụng mạng lưới các khu công nghiệp ở nước này và trong khu vực để đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Liên minh này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Hiện có 3 trụ cột cho sự phục hồi chuỗi cung ứng mà Singapore cần cân nhắc; đó là đa dạng hóa, chuyển đổi số và những đánh giá rủi ro định kỳ về chuỗi cung ứng.

Trong lĩnh vực sản xuất thấp cấp, Singapore là trung tâm khu vực cho nhiều công ty. Trong lĩnh vực sản xuất cao cấp, Singapore dẫn đầu trong mảng công nghệ cao, tự động hóa công nghiệp và công nghệ sinh học.

Nước này có thể trở thành trung tâm thứ hai tiềm năng bên cạnh Mỹ hay châu Âu cho chiến lược đa dạng hóa của nhiều công ty. Theo ông Rakesh Agarwal, cố vấn cho KPMG, việc đánh giá rủi ro định kỳ, hợp nhất và chính xác đối với chuỗi giá trị có ý nghĩa then chốt.

Tiếp tục mở cửa cho nhân tài

Singapore từ lâu đã phải dựa vào nguồn nhân lực nước ngoài để bổ sung cho lực lượng lao động địa phương nhỏ và đang già hóa của mình.

Người nước ngoài làm những công việc thiết yếu vốn không thu hút lao động địa phương, và thu hẹp khoảng cách then chốt về kỹ năng trong những lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao như công nghệ số, sản xuất tiên tiến và nghiên cứu tiên phong.

Tuy nhiên, mô hình này đang bị "kéo căng" trong bối cảnh người dân địa phương ngày càng không hài lòng về sự cạnh tranh việc làm với người nước ngoài.

Giám đốc Ngân hàng trung ương Singapore Ravi Menon gần đây khẳng định, là một trung tâm kinh doanh, Đảo quốc Sư tử không thể bị coi là thiếu cơ hội cho chính các công dân của mình, hay không chào đón người nước ngoài.

Ông đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu để cấp thẻ làm việc tại Singapore; và trực tiếp nhắm vào việc thuê lao động có sự phân biệt đối xử bằng việc áp đặt các hình phạt tài chính, tước các khoản tiền thưởng cũng như ngừng các chương trình ưu đãi dành cho các công ty ưu ái người nước ngoài một cách không công bằng.

Phó Giáo sư Lawrence Loh của Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore cũng nhất trí rằng việc tăng mức lương tối thiểu này là cách nhanh chóng để khiến các ông chủ chuyển sang thuê lao động địa phương và khuyến khích các công ty tự động hóa và làm việc hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc này cũng có thể làm tăng chi phí, và dẫn đến những khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công với mức lương hay kỹ năng cụ thể nào đó.

Cạnh tranh gay gắt trong vấn đề thuế và đầu tư

Vào ngày 10/7 vừa qua, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã thông qua một hiệp ước mang tính bước ngoặt là điều chỉnh cách thức đánh thuế các công ty đa quốc gia.

Thỏa thuận này cũng đã được hơn 130 quốc gia ủng hộ trong các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dẫn đầu.

Các bước tiếp theo tại Hội nghị G20 diễn ra vào tháng Mười tới sẽ là ấn định mức thuế tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu và tìm ra cách thức phân bổ doanh thu thuế giữa các quốc gia.

Thỏa thuận đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% sẽ khiến Singapore khó thu hút đầu tư hơn. Hiện nay, mức thuế cao nhất của nước này là 17%, nhưng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia có thể được hưởng mức thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu được đề xuất ở trên do các chính sách khuyến khích và cắt giảm thuế.

Vậy, liệu Singapore có thể khám phá những sáng kiến ưu đãi nào trong bối cảnh các nước láng giềng cũng đã có những thỏa thuận hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Ví dụ, Malaysia đã đề xuất hỗ trợ 100% thuế đầu tư trong 5 năm cho một số công ty chuyển các cơ sở sản xuất của mình ở nước ngoài về nước.

Chester Wee, lãnh đạo tư vấn thuế doanh nghiệp quốc tế của tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính Ernst and Young khu vực ASEAN, cho biết những thành tích của Singapore - về thể chế, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động cũng như hệ thống tài chính và luật pháp - đã định vị nước này như một trung tâm cho khu vực.

Ông nói: "Sự tập trung không ngừng của nước này vào năng suất và đổi mới sáng tạo cũng thúc đẩy giá trị khác biệt cho các nhà đầu tư. Tất cả những điều này sẽ tiếp tục làm cho Singapore trở nên cạnh tranh."

Theo chuyên gia, điều có thể khuyến khích hoạt động của doanh nghiệp ở đây là sự hỗ trợ tài chính và các khoản đền bù tiền thuê đất và thuế điện. Singapore cũng sẽ phải tăng gấp đôi việc phát triển và mở rộng nguồn nhân tài về công nghệ và duy trì sự mở cửa và kết nối toàn cầu của nước này.

Năng lượng Mặt Trời và trao đổi carbon

Quá trình chuyển đổi toàn cầu nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một thách thức đặc biệt đối với Singapore, quốc gia thiếu tài nguyên thiên nhiên để khai thác năng lượng tái tạo.

"Đảo quốc sư tử" cần phải đổi mới để khắc phục những nhược điểm - từ việc xây dựng các nhà máy năng lượng Mặt Trời nổi trên các hồ chứa, đến thiết lập các đường dây truyền tải đến các nước láng giềng để khai thác và kinh doanh năng lượng sạch.

Tháng Năm vừa qua, các bên tham gia chính trong lĩnh vực tài chính đã chuyển sang thiết lập một thị trường trao đổi carbon toàn cầu mới. Climate Impact X - một liên doanh được tài trợ bởi Ngân hàng DBS, Temasek, Standard Chartered và Sở giao dịch Singapore - sẽ cung cấp các nền tảng và sản phẩm khác nhau cho người mua và người bán tín chỉ carbon.

Bằng việc cho phép bán các tín chỉ carbon quy mô lớn, chất lượng cao thông qua các hợp đồng được tiêu chuẩn hóa trên một sàn giao dịch, Singapore có thể tự đặt mình vào vị trí là trung tâm mua bán và dịch vụ carbon. Tuy nhiên, vấn đề then chốt là mức giá bao nhiêu được cho là hợp lý để Singapore và thế giới có thể chuyển đổi thành công sang "nền kinh tế xanh."

Singapore là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện thuế carbon. Nhưng với mức giá 3,75 USD cho một tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một số người gọi nước này là "người ngoài cuộc" trong số các nước đã đưa ra giá carbon. Chính phủ Singapore đã cam kết vào năm tới sẽ xem xét lại mức thuế và lộ trình sau năm 2023, trong đó có sự tham vấn với các ngành và chuyên gia để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh. Hiện Singapore đã đánh thuế khoảng 80% lượng khí thải carbon ở nước này.

Các chuyên gia cho rằng việc có rất ít quốc gia trong khu vực có kế hoạch ngân sách carbon cho tương lai là cơ sở để Singapore đặt kỳ vọng rằng nước này có thể tận hưởng lợi thế đi đầu, bằng cách thu hút nhân tài và hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu và phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục