Quan điểm khác biệt về cứu trợ châu Âu qua IMF

Trong khi Nhật đi tiên phong trong việc tích cực tham gia vào kế hoạch bổ sung nguồn tài chính cho quỹ IMF, Mỹ lại rõ ra miễn cưỡng.
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đang thể hiện sự khác biệt lớn trong vấn đề đóng góp thêm vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để qua đó hỗ trợ các nền kinh tế châu Âu gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng nợ công.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ nhóm họp trong hai ngày 19-20/4 bên lề các hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới để bàn về vấn đề tăng cường bức tường lửa chống khủng hoảng của toàn cầu thông qua việc tăng nguồn lực tài chính cho IMF, thiết chế tài chính đã cam kết hỗ trợ Hy Lạp và một số nước thành viên khác trong khu vực đồng euro (Eurozone).

Các quan chức tài chính có thể đều nhất trí rằng cần phải tăng nguồn lực cho IMF, song chưa có gì chắc chắn về sự đóng góp cụ thể của các nước.

Ngày 16/4, Chính phủ Nhật Bản thông báo kế hoạch đóng góp 60 tỷ USD cho IMF, động thái mà Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi cho rằng sẽ khuyến khích hành động tương tự từ các nước thành viên chủ chốt khác của quỹ.

Trong khi Nhật Bản, nước có đóng góp lớn thứ hai cho IMF sau Mỹ, đi tiên phong trong vấn đề này, Mỹ lại rõ ra miễn cưỡng trong việc tích cực tham gia vào kế hoạch bổ sung nguồn tài chính cho quỹ.

Hồi tháng Một năm nay, IMF cho biết, quỹ cần huy động thêm 500 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu tài chính của toàn cầu trong những năm tới, song trong tuần trước, Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde, số tiền mà quỹ cần có thể không tới mức này, khi những căng thẳng tại châu Âu đã có phần dịu bớt.

Với mục tiêu hiện nay của IMF giảm xuống 400 tỷ USD, cam kết của Nhật Bản được đưa ra dựa trên tính toán rằng phần còn lại sẽ do các nước thành viên khác đóng góp.

Khi 17 nước thành viên Eurozone đã đồng ý cung cấp khoản vay 150 tỷ USD cho IMF, số tiền còn lại sẽ đến từ các nước khác, trong đó có các nước châu Âu không sử dụng đồng tiền chung như Anh và nhóm các nước đang phát triển chủ chốt mà dẫn đầu là Trung Quốc.

Tuy nhiên, mọi chuyện có thể không diễn ra như dự liệu của các quan chức IMF, khi tại cuộc họp sắp tới, các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga và Ấn Độ có thể bác lại những kêu gọi từ các nền kinh tế phát triển về việc hỗ trợ các nước châu Âu gặp khó khăn.

Các nước đang phát triển đang yêu cầu IMF phải cải cách cơ cấu quản lý và hạn ngạch cho phù hợp với sự đóng góp đang ngày càng tăng của các nước này.

Kết thúc cuộc họp trong hai ngày tới, các quan chức tài chính G20 sẽ ra một thông cáo chung, trong đó có thể hoan nghênh thỏa thuận của các bộ trưởng tài chính Eurozone trong tháng trước về việc nâng quy mô tường lửa của khu vực lên 800 tỷ euro (1.100 tỷ USD) để ngăn chặn nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ.

Việc nâng quy mô quỹ cứu trợ của Eurozone là yêu cầu mà các nước G20 đưa ra trước khi quyết định đóng góp thêm vào IMF để hỗ trợ các nước châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục