Quan điểm trái chiều về chiến lược phòng dịch COVID-19 tại Đức

Thủ tướng Đức cho biết chiến lược phòng dịch COVID-19 tiếp theo vẫn còn để ngỏ, trong khi đó, các hiệp hội doanh nghiệp đang hối thúc chính phủ đưa ra quan điểm rõ ràng về việc nới lỏng hay không.
Quan điểm trái chiều về chiến lược phòng dịch COVID-19 tại Đức ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Munich, Đức trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Đức đang có những quan điểm trái chiều về việc có nên nới lỏng hạn chế sau khi kết thúc lệnh phong tỏa toàn phần do dịch COVID-19 vào ngày 14/2 hay không.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời phỏng vấn của báo giới ngày 5/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chiến lược phòng dịch COVID-19 tiếp theo vẫn còn để ngỏ, đồng thời cảnh báo về “thời điểm vô cùng khó khăn.”

Thủ tướng Merkel cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai đã vượt đỉnh, số ca mắc đã giảm đáng kể và ngày càng có nhiều người được tiêm vắcxin ngừa bệnh.

Tuy nhiên, cơ quan y tế vẫn chưa đạt được mục tiêu kiểm soát số ca mắc dưới 50 ca/100.000 dân/tuần.

[Chính phủ Đức đề nghị Quốc hội gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia]

Thủ hiến bang Bayern - ông Markus Söder, và Thị trưởng Hamburg - ông Peter Tschentscher, đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nếu nới lỏng quá sớm, đồng thời khuyến cáo chính phủ hành động thận trọng để tránh khả năng phải áp đặt đợt phỏng tỏa thứ 3.

Tuy nhiên, các hiệp hội doanh nghiệp đang hối thúc chính phủ đưa ra quan điểm rõ ràng về việc nới lỏng hay gia hạn các hạn chế.

Nhóm công tác các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cảnh báo nhiều doanh nhân đang gặp khó khăn và mất thu nhập.

Hiệp hội hàng đầu của ngành bất động sản (ZIA) đã lên tiếng kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế.

ZIA hoan nghênh các kế hoạch nới lỏng từng phần mà các bang đã lên kế hoạch.

Chủ tịch ZIA Andreas Mattner cảnh báo việc phong tỏa đã gây thiệt hại khoảng 34 tỷ euro mỗi tháng, mặc dù có các khoản viện trợ kinh tế nhưng việc nới lỏng là sự hỗ trợ tốt nhất.

Dự kiến, trong ngày 10/2, Chính phủ Đức và các bang sẽ họp và quyết định xem liệu có gia hạn lệnh phong tỏa toàn phần hay nới lỏng sau ngày 14/2 hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục