Quân đội Ai Cập đã bắt đầu triển khai lực lượng

Quân đội Ai Cập triển khai lực lượng tại Cairo và các tỉnh thành khác để bảo đảm an ninh các khu vực bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân.
Ngày 10/12, quân đội Ai Cập đã bắt đầu triển khai lực lượng tại thủ đô Cairo và các tỉnh thành khác để bảo đảm an ninh các khu vực bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15/12.

Việc triển khai lực lượng này được tiến hành một ngày sau khi Tổng thống Mohamed Morsi ban hành một sắc lệnh mới trao cho quân đội quyền bắt giữ, đồng thời chỉ thị quân đội hợp tác với cảnh sát cho đến thời điểm công bố kết quả của cuộc trưng cầu ý dân.

Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Abdel Fattah al-Sisi khẳng định "quân đội thuộc về nhân dân và sẽ thực hiện tất cả các nhiệm vụ của mình để duy trì an ninh và ổn định cho đất nước."

Ủy ban Bầu cử tối cao Ai Cập do thẩm phán Samir Abou El-Maati đứng đầu cho biết sẽ tuyên phạt 500 LE (khoảng 80 USD) đối với những người không tham gia cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. Cùng ngày, một nguồn tin ngoại giao cho biết các kiều dân Ai Cập sẽ bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp vào ngày 12/12 tại 150 đại sứ quán và 11 lãnh sự quán tại các nước trên thế giới. Hiện 586.000 công dân nước này sinh sống ở nước ngoài đã đăng ký tham gia, bằng số người đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi giữa năm nay.

Trong khi đó, các chính đảng và phong trào đối lập vẫn đang ráo riết chuẩn bị các hoạt động phản đối cuộc trưng cầu ý dân. Phong trào thanh niên "Ngày 6/4" phát động chiến dịch tuyên truyền về những thất bại của dự thảo Hiến pháp và những nguy cơ nếu tham gia cuộc trưng cầu ý dân này. Phong trào "Ngày 6/4" cho biết mục đích chính của chiến dịch là huy động một lượng lớn cử tri bỏ phiếu chống dự thảo Hiến pháp vì văn bản này "đi ngược lại các yêu cầu của cuộc cách mạng."

Cùng chung quan điểm như vậy, đảng Ai Cập Mạnh mẽ của cựu ứng cử viên Tổng thống Abdel Moneim Abouel Fotouh sẽ khởi động chiến dịch tuyên truyền nhằm thuyết phục các cử tri bỏ phiếu chống bản dự thảo Hiến pháp.

Hiện nhiều chính khách cũng lên tiếng bác bỏ bản dự thảo Hiến pháp tuy nhiên vẫn đợi động thái chính thức của Mặt trận Cứu quốc (NSF) để quyết định sẽ tẩy chay hay bỏ phiếu chống văn bản này. Trong khi đó, Chủ tịch đảng Hội nghị, ông Amr Moussa cho biết NSF sẽ đưa ra quyết định sau cuộc biểu tình của phe đối lập vào ngày 11/12. Phát ngôn viên đảng Tagammu Nabil Zaky cho biết đảng này sẽ tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp vì văn bản này chỉ đại diện cho các lực lượng Hồi giáo.

[Ai Cập: Phe đối lập kêu gọi biểu tình quy mô lớn]

Theo kế hoạch, vào ngày 11/12, cả phe đối lập và ủng hộ Tổng thống Morsi sẽ cùng tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ tại Cairo và nhiều địa phương khác trong cả nước. Trang web chính thức của tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết hai triệu người sẽ tham gia diễu hành tại quận Nars City ở phía bắc thủ đô Cairo nhằm ủng hộ "tính hợp pháp" của Tổng thống Morsi cũng như bản dự thảo Hiến pháp.

Các thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo tại các tỉnh vùng Thượng Ai Cập như Wadi Gedid, Assiut, Sohag, Qena, Luxor và Aswan kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình tại tỉnh Assiut.

Về phần mình, phe đối lập sẽ tổ chức 6 cuộc tuần hành lớn từ nhiều hướng bắt đầu từ 16 giờ chiều 11/12 (giờ địa phương) trước khi đổ về tập trung trước Phủ Tổng thống tại quận Heliopolis, không xa nơi tập trung của những người ủng hộ Tổng thống. Dư luận Ai Cập lo ngại sẽ xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực mới giữa những người biểu tình. Trước đó, đêm 5/12, các vụ đụng độ đẫm máu đã nổ ra trước Phủ Tổng thống giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi khiến 8 người chết và hơn 1.000 người bị thương.

Liên quan cuộc trưng cầu ý dân, ngày 10/12, Câu lạc bộ Thẩm phán của Hội đồng nhà nước Ai Cập thông báo sẽ giám sát cuộc trưng cầu này với một số điều kiện, trong đó có việc bảo đảm an ninh cho các ủy ban tổ chức trưng cầu, cấm tuyên truyền bên ngoài những điểm bỏ phiếu, bảo đảm an ninh cho các trụ sở của Ủy ban bầu cử cấp cao và chấm dứt tình trạng biểu tình ngồi bên ngoài Tòa án Hiến pháp tối cao. Từ 2/12, một số người Hồi giáo đã tiến hành biểu tình ngồi bên ngoài Tòa án Hiến pháp tối cao nhằm ngăn cản tòa án này đưa ra các phán quyết liên quan đến tính hợp hiến của luật bầu cử Hội đồng Shura (Thượng viện) và việc lựa chọn các thành viên của Hội đồng Lập hiến.

Trong một diễn biến khác, quyết định đột ngột đình chỉ tăng thuế trên diện rộng đối với hàng loạt sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ của Tổng thống Morsi trong sáng 10/12, chỉ vài giờ sau khi được công bố, đã kéo theo làn sóng chỉ trích gay gắt từ các chính khách và các chuyên gia kinh tế. Nader Bakkar, phát ngôn viên đảng Salafi Nour - đảng liên minh của tổ chức Anh em Hồi giáo, cho rằng quyết định này của Tổng thống là vội vàng. Báo chí Ai Cập nhấn mạnh đây là lần thứ 5 sau 5 tháng tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Morsi phải rút lại các sắc lệnh quan trọng của mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục