Quân đội Ai Cập kêu gọi tất cả các bên đàm phán

Quân đội Ai Cập ngày 8/12 đã ra tuyên bố kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị đối lập giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại.
Quân đội Ai Cập ngày 8/12 đã ra tuyên bố kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị đối lập giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng trầm trọng tại nước này trong thời gian qua, có thể dẫn đất nước vào "đường hầm tăm tối."

Đây là động thái đầu tiên của quân đội Ai Cập kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình phản đối Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống Mohamed Mursi trong hai tuần qua.

Tuyên bố cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng tại quốc gia Arập này phải phù hợp với "hiến pháp và các quy định về dân chủ", đồng thời coi đối thoại là biện pháp duy nhất nhằm đạt được một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia và của nhân dân Ai Cập. Văn bản này nhấn mạnh quân đội sẽ không can thiệp vào tình hình chính trị trong nước, đồng thời khẳng định vai trò của quân đội là bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo đảm sự tồn tại của thể chế nhà nước.

Một quan chức cấp cao thuộc Phong trào Anh em Hồi giáo tại Ai Cập nhận định tuyên bố trên của lực lượng quân đội mang tính chất "cân bằng" và trung lập.

Cùng ngày, một trong những nhân vật cấp cao của Phong trào Anh em Hồi giáo, ông Mohamed Badei cũng kêu gọi tất cả các lực lượng đối lập chấp thuận yêu cầu đàm phán của Tổng thống Mursi. Phát biểu trong buổi họp báo tại trụ sở của Anh em Hồi giáo ở Cairo, ông Badei cho biết phong trào này sẽ ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa các phe phái chính trị, đồng thời nhấn mạnh các bên cần tích cực hợp tác thay vì tiếp tục tranh cãi.

Trước đó, vào tối 6/12, Tổng thống Mursi đã kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tham gia cuộc đối thoại ngày 8/12 nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay. Song liên minh Mặt trận cứu quốc đối lập đã lập tức từ chối yêu cầu này.

[Ai Cập: Có thể hoãn trưng cầu ý dân về Hiến pháp]

Một trong những lãnh đạo của liên minh, ông Mohamed ElBaradei nhấn mạnh sẽ chỉ tham gia đối thoại nếu Tổng thống Mursi cho ngừng cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp trong ngày 15/12 và hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp. Trong khi đó, Phó Tổng thống Ai Cập Mahmoud Mekky cho biết Tổng thống Mursi có thể đồng ý hoãn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp nếu quyết định này không bị tòa án xem xét và các lực lượng chính trị đối lập phải cam kết không khởi kiện quyết định của ông.

Ai Cập ngày càng lún sâu vào khủng hoảng sau khi Tổng thống Mursi ra sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp gây nhiều tranh cãi cũng như lên kế hoạch trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp với hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối. Riêng trong tuần qua, các cuộc biểu tình biến thành đụng độ giữa những người phản đối và ủng hộ Tổng thống Mursi đã khiến 7 người thiệt mạng và hơn 640 người bị thương.

Quân đội buộc phải triển khai xe tăng nhằm đảm bảo an ninh bên ngoài Phủ Tổng thống. Trong khi đó, đã có 4 cố vấn của ông Mursi từ nhiệm vì tình trạng bế tắc chính trị và Giám đốc Đài truyền hình quốc gia Ai Cập cũng rút lui để phản đối./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục