Quân đội Congo chiếm thành trì cuối cùng của M23

Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết quân đội nước này đã giải phóng toàn bộ các khu vực bị phiến quân M23 chiếm đóng. 

Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 30/10 cho biết quân đội nước này đã giải phóng toàn bộ các khu vực bị phiến quân M23 chiếm đóng.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Lực lượng Vũ trang Cộng hòa Dân chủ Congo (FARDC) đánh bật phiến quân M23 khỏi Bunagana, căn cứ chính của nhóm này ở tỉnh Bắc Kivu, gần biên giới với Uganda, và đây cũng là thành trì cuối cùng của M23.

Việc tái chiếm Bunagana là đỉnh điểm trong mạch chiến thắng liên tục suốt nhiều ngày qua của FARDC kể từ chiến thắng ngày 25/10 tại Kibumba, cách thủ phủ Goma của tỉnh Bắc Kivu 23 km.

Theo người phát ngôn của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo, ông Lambert Mende, sau khi cứ điểm quan trọng trên bị thất thủ, thủ lĩnh M23 Bertrand Bisimwa đã chạy trốn sang nước láng giềng Uganda. Chính quyền Kinshasa cũng đã gửi yêu cầu dẫn độ tên Bisimwa tới Chính phủ Uganda.

Phiến quân M23 nguyên là quân đội người Tutsi sáp nhập vào quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 2009, song đã đào ngũ từ đầu năm 2012 do bất đồng về lương bổng và điều kiện sinh hoạt. Kể từ năm ngoái, rất nhiều vòng đàm phán hòa bình giữa phiến quân M23 và Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo đã được tiến hành, song đều lâm vào bế tắc. Phiến quân M23 - mối đe dọa an ninh lớn nhất tại quốc gia Trung Phi này - tiếp tục lộng hành, tàn sát dân thường, cưỡng bức phụ nữ và lôi kéo trẻ em gia nhập lực lượng này.

Các cuộc tấn công của M23 không chỉ diễn ra trong lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Congo mà còn kéo các nhóm phiến quân ở Rwanda, Uganda và Burundi tham gia, làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Hồ Lớn với 2,6 triệu người mất nhà ở và 6,4 triệu người cần lương thực cũng như viện trợ khẩn cấp. Trong khi đó, FARDC cũng ráo riết triển khai các chiến dịch truy quét với quy mô lớn.

Phiến quân M23 bị suy yếu đáng kể sau một trận giáp lá cà với FARDC hồi tháng 3/2013, khiến chỉ huy lực lượng này khi đó là Bosco Ntanganda phải chạy trốn sang Rwanda và sau đó bị đưa ra xét xử tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICC). Kể từ năm 2006, ICC đã hai lần phát lệnh bắt giữ Ntaganda với các cáo buộc gây tội ác chiến tranh và chống lại loài người./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục