Quân đội Mỹ "theo dõi" phóng viên tại Afghanistan

Quân đội Mỹ tại Afghanistan thừa nhận đã thuê một công ty tư nhân lập hồ sơ theo dõi các phóng viên đưa tin về chiến trường này.
Quân đội Mỹ tại Afghanistan ngày 27/8 thừa nhận đã thuê công ty tư nhân The Rendon Group lập hồ sơ theo dõi các phóng viên đưa tin về chiến trường này.

Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm góc đã bác bỏ cáo buộc cho rằng những đánh giá về thái độ của phóng viên thông qua các bài báo của họ được sử dụng để quyết định báo nào có thể hoạt động tại Afghanistan dưới sự bảo vệ của các đơn vị quân đội.

Báo "Stars and Stripe", được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ một phần kinh phí hoạt động, cho biết họ thu thập được nhiều tài liệu cho thấy công ty Rendon đã đánh giá những bài viết của các phóng viên theo 3 cấp là "tích cực", "trung lập" hoặc "tiêu cực", đồng thời còn gợi ý về cách đưa tin tích cực hơn cho cuộc chiến tại Afghanistan.

Báo trên còn đăng một loạt bài về việc các phóng viên bị công ty quan hệ công chúng có trụ sở ở Washington này "lập hồ sơ theo dõi" theo hợp đồng trị giá 1,5 triệu USD với quân đội.

Trong một thông báo, người phát ngôn của quân đội Mỹ tại Afghanistan, Đại tá Wayne M. Shanks khẳng định quân đội Mỹ ở chiến trường này chưa bao giờ đánh giá phóng viên dựa trên những bài báo của họ trong quá khứ.

Theo ông, hợp đồng ký với Rendon cung cấp nhiều dịch vụ bao gồm các thông cáo báo chí, đề tài bàn luận, cũng như các báo cáo về tính chính xác của thông tin. Ông Shanks cho rằng việc quân đội thu thập thông tin về các nhà báo bao gồm chi tiết về tiểu sử và đề tài họ quan tâm là nhằm chuẩn bị cho các nhân vật tham gia phỏng vấn.

Phát biểu với các phóng viên Lầu Năm góc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bryan Whitman cho biết ông không thấy điều này vi phạm bất kỳ chính sách nào.

Hiện rất nhiều phóng viên của Lầu Năm góc và các cơ quan khác đang yêu cầu được xem xét hồ sơ của họ. Trước đó, ngày 26/8, Liên đoàn nhà báo quốc tế đã chỉ trích chính sách này của quân đội Mỹ.

Tổng Thư ký liên đoàn, Aidan White, nhấn mạnh việc lập hồ sơ theo dõi các nhà báo cho thấy truyền thông bị mất tính độc lập, và trái ngược với tuyên bố quân đội mong muốn giúp đỡ nhà báo hoạt động tự do./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục