Quân đội Nhật Bản nỗ lực giành cảm tình từ quần chúng

Nhật Bản, một quốc gia có hiến pháp hòa bình, đang học cách yêu mến quân đội hơn, với những chiến dịch quảng bá hình ảnh và khiến quân đội trở nên gần gũi hơn.
Quân đội Nhật Bản nỗ lực giành cảm tình từ quần chúng ảnh 1Các sỹ quan Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia cuộc họp trước khi tiến hành một cuộc tập trận. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Nhật Bản, một quốc gia có hiến pháp hòa bình, đang học cách yêu mến quân đội hơn, với những chiến dịch quảng bá hình ảnh và khiến quân đội trở nên gần gũi hơn, với một cuộc thi trên mạng và các sự kiện hẹn hò.

Các lực lượng quốc phòng Nhật Bản cũng dễ nhận biết hơn trong giới trẻ, khi bộ phim hoạt hình "Girl und Panzer" về các nữ sinh lái xe tăng chiến đấu đang rất ăn khách.

Tài khoản Twitter nổi tiếng nhất ở Nhật trong năm 2013 là #KanColle, mang tên một trò chơi điện tử trực tiếp trong đó các tàu chiến được nhân cách hóa thành các cô gái trẻ đẹp.

Sự thay đổi hình ảnh quân đội xuất hiện khi thủ tướng có đường lối dân tộc Shinzo Abe đang nỗ lực thay đổi luật để tăng ngân sách cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) và biến lực lượng này thành một quân đội thông thường như các nước khác, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc đang lên cao.

SDF đã không bắn một viên đạn nào kể từ khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh vào năm 1945, chấp nhận sự chiếm đóng của quân đội Mỹ tới năm 1952.

Lực lượng quân đội từng rất hùng mạnh của Nhật Bản bị giảm bớt, các đơn vị đồn trú nước ngoài chấm dứt hoạt động và một hiến pháp cấm nước này tham gia chiến tranh, chỉ hạn chế trong nhiệm vụ phòng thủ. Thay thế cho một quân đội đã nhiều năm chinh chiến ở nước ngoài là một quân đội ít được chú ý, kỷ luật và chuyên nghiệp, khác hẳn so với đội quân từng gieo rắc kinh hoàng khắp châu Á suốt thời Thế chiến thứ 2.

Những nỗ lực cứu hộ sau trận động đất-sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản đã lại khơi dậy những vai trò của quân đội Nhật thời hiện đại, khi những người lính xuất hiện ở các tuyến đầu khó khăn nhất để giúp đỡ dân chúng.

“Mọi người bắt đầu cảm giác về quân đội giống như về cảnh sát hay lực lượng cứu hỏa hay cảnh sát,” Yoshinori Saeki, Tổng thư ký Viện nghiên cứu hòa bình và ổn định tại Tokyo, bình luận.

Đi đầu trong việc bình thường hóa các mối quan hệ của quân đội Nhật Bản với người dân là những người như Yukari Miyake, một ca sỹ 27 tuổi mới đeo lon trung úy, nhưng rất được mến mộ trong 230.000 binh sỹ SDF.

Bên lề một nhạc hội tại Tokyo năm ngoái, Miyake cho biết dư luận đã rất nồng nhiệt với cô. “Điều quan trọng là tôi được mến mộ khi hát mà vẫn mặc đồng phục, tôi cảm thấy tôi thật sự gây được cảm hứng cho họ,” cô nói với hãng tin AFP.

Những người tới buổi hòa nhạc cho rằng các hoạt động văn hóa đã giúp làm mềm hóa hình ảnh quân đội. “Ngày càng nhiều người biết các hoạt động này, thì hình ảnh SDF càng được thay đổi theo hướng tích cực,” Nobuyuki Shikada, 43 tuổi, nói.

Từ năm ngoái, một chiến dịch đã được mở để công chúng bỏ phiếu bình chọn những quân nhân đẹp nhất, với các clip chống đẩy và cử tạ. Và cứ ba năm một lần, các sự kiện kết bạn lại được tổ chức ở các căn cứ không quân, hải quân và bộ binh. Sự kiện này đã thu hút 1.427 đơn đăng ký từ các phụ nữ độc thân dân sự chỉ riêng trong tháng trước, hơn gấp 10 so với dự kiến.

Tất cả hoạt động trên diễn ra khi chính quyền Thủ tướng Abe đang nỗ lực thay đổi vai trò của Nhật trên trường quốc tế, nhất là của lực lượng quốc phòng. Thủ tướng Nhật cũng muốn giải thích lại luật giúp quân đội Nhật có thể cầm súng tự vệ khi một đồng minh bị tấn công, tức tự vệ tập thể.

Trung Quốc coi động thái của ông Abe là một bước tiến về phía chủ nghĩa quân phiệt giống như thế kỷ trước. Kirk Spitzer, một phóng viên chuyên về các vấn đề quân sự, nói người dân Nhật đã quen hơn với ý tưởng về một quân đội bình thường.

Những căng thẳng và tranh chấp liên quan tới quần đảo ở biển Hoa Đông đang là một vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ hiện giờ của ông Abe. Ông đã ký ban hành dự luật ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa này của Nhật Bản, bắt đầu từ ngày 1/4.

Saeki, một cựu thiếu tướng bộ binh, cho biết quân đội Nhật Bản cảm thấy cần phải chuẩn bị cho mọi kịch bản. Hiệp ước phòng thủ Mỹ-Nhật “giả định là Mỹ là ngọn giáo, trong khi Nhật Bản là tấm khiên. Nhưng quan điểm giờ đang thay đổi. Chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mới, ” Saeki nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục