Quan hệ Australia-Trung Quốc "tuột dốc không phanh" trong năm 2020

Một năm qua với rất nhiều căng thẳng trong quan hệ Australia-Trung Quốc, hãng ABC (Australia) nhận xét năm 2020, có vẻ như không có tháng nào mà 1 trong 2 bên không có hành động xúc phạm bên kia.
Quan hệ Australia-Trung Quốc "tuột dốc không phanh" trong năm 2020 ảnh 1Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoffrey Raby. (Nguồn: theaustralian.com.au)

Tổng kết một năm với rất nhiều diễn biến căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Australia-Trung Quốc, hãng truyền thông ABC của Australia đưa ra nhận xét rằng trong năm 2020, có vẻ như không có tháng nào mà một trong hai bên không có hành động nào xúc phạm bên kia.

Còn theo cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoffrey Raby, trong năm 2020, mối quan hệ song phương đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

ABC đã điểm lại những sự kiện ngoại giao căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia trong năm 2020 như sau:

Kêu gọi điều tra COVID-19

Năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên Australia kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước, vốn được coi là phản ứng của Bắc Kinh trước lời kêu gọi của Canberra tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Vào tháng 3/2020, Ngoại trưởng Marise Payne tuyên bố Australia sẽ ủng hộ một cuộc điều tra như vậy trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình Insiders. Vài ngày sau, Thủ tướng Scott Morrison đã nhắc lại lời kêu gọi trên, thậm chí còn nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần có quyền hạn giám sát để điều tra đại dịch.

Trung Quốc coi đề xuất của Australia là một sự xúc phạm. Ngay sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp đã đưa ra lời đe dọa “tẩy chay” hàng hóa Australia ở Trung Quốc nếu Canberra tiếp tục thúc đẩy cuộc điều tra.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham vào thời điểm đó đã gọi đây là "sự ép buộc kinh tế hoặc đe dọa cưỡng bức" và khẳng định quan điểm của chính phủ Australia sẽ không thay đổi.

Yun Jiang, biên tập viên blog Câu chuyện Trung Quốc của Đại học Quốc gia Australia đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng Australia lẽ ra có thể "làm khác đi một chút."

[Thương mại hai chiều giữa Australia và Trung Quốc gia tăng]

Bà Yun Jiang nói: “Có nhiều cách để chúng ta thể hiện mối quan ngại của mình với các hành động và cách ứng xử của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế. Trước tiên, chúng ta nên vận động nhiều quốc gia cùng chí hướng vào cuộc để đảm bảo chúng ta không bị đơn độc trong việc thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập.”

Cuối cùng, Trung Quốc đã đồng ý tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19, tuy nhiên cuộc điều tra này dựa trên một nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra chứ không phải Australia.

Trung Quốc cáo buộc Australia phân biệt chủng tộc

Trong năm 2020, Trung Quốc đưa ra cảnh báo hiếm hoi đối với sinh viên quốc tế về việc du học ở Australia. Tận dụng tin tức trên các báo về việc gia tăng các vụ phân biệt chủng tộc ở Australia liên quan đến đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã cảnh báo sinh viên nước này cần thận trọng khi lựa chọn du học ở Australia.

Chính phủ Australia đã bác bỏ cảnh báo trên, và khẳng định Australia được sinh viên quốc tế yêu thích vì môi trường đa văn hóa. Mặc dù vẫn xảy ra các vụ việc phân biệt chủng tộc, nhưng Australia vẫn là một nơi an toàn và phần lớn người Australia rất bất bình trước các hành vi đó.

Người Australia ở Trung Quốc bị đe dọa

Vào tháng 7/2020, Australia đã đưa ra cảnh báo đi lại rằng công dân nước này ở Trung Quốc có nguy cơ bị giam giữ tùy tiện và cảnh báo người dân không nên đi du lịch tới đó. Cảnh báo được đưa sau khi Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh quốc gia mới, xác định nhiều hoạt động của phong trào biểu tình chống Bắc Kinh ở Hong Kong là bất hợp pháp.

Để đáp trả, Trung Quốc đưa ra một cảnh báo đi lại khác, với cáo buộc rằng công dân Trung Quốc ở Australia đã bị khám xét một cách tùy tiện và bị tịch thu tài sản.

Năm 2020 chứng kiến nhiều người Australia ở Trung Quốc phải đối mặt với áp lực hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông. Nhà báo người Australia Cheng Lei, người dẫn chương trình cho Đài truyền hình CGTN - đài tiếng Anh của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), đã bị bắt vào cuối tháng 8/2020.

Bắc Kinh thông báo rằng cô bị nghi ngờ về "các hoạt động tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia". Ngay sau khi nhà báo Lei bị bắt, Đại sứ quán Australia tại Bắc Kinh đã cảnh báo hai nhà báo Australia còn lại ở Trung Quốc rời khỏi nước này.

Australia yêu cầu Trung Quốc xin lỗi vì bài đăng trên Twitter

Căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng một bức ảnh giả mạo về một binh sỹ Australia đang kề con dao dính máu vào cổ một em bé người Afghanistan.

Quan hệ Australia-Trung Quốc "tuột dốc không phanh" trong năm 2020 ảnh 2Binh sỹ Australia. (Nguồn: abc.net.au)

Mục đích của bài đăng trên Twitter là chỉ trích Australia sau khi báo cáo Brereton được công bố cho biết các lực lượng đặc nhiệm Australia đã thực hiện ít nhất 39 vụ giết người trái pháp luật ở Afghanistan.

Thủ tướng Scott Morrison đã yêu cầu Trung Quốc đưa ra lời xin lỗi về dòng Twitter mà ông cho là "cực kỳ gây xúc phạm và không thể biện minh với bất kỳ lý do nào." Ông cũng yêu cầu xóa hình ảnh vi phạm và cho biết chính phủ Australia đã liên hệ với Twitter để giải quyết vấn đề đó.

Trung Quốc từ chối đưa ra lời xin lỗi về bài đăng, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn tuyên bố rằng Australia cần tự vấn lại mình sau báo cáo Brereton.

Dự đoán về mối quan hệ hai nước trong năm 2021

Về tương lai của mối quan hệ Australia-Trung Quốc, bà Yun Jiang đưa ra một vài dự đoán. Bà Yun Jiang nói: “Mối quan hệ song phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và một trong số đó là cách các nước khác đối xử với Trung Quốc.”

Theo bà Yun Jiang, các cường quốc khác, chẳng hạn như các nước trong EU, vốn vừa hoàn tất Hiệp định đầu tư với Trung Quốc, có thể không cùng quan điểm khi đối mặt với những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Nếu các quốc gia khác đang phát đi các tín hiệu như vậy, Australia có thể xem xét lùi lại một bước.

Nhưng mặt khác, các đồng minh trong nhóm Five Eyes cũng đã có những động thái ủng hộ Australia trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc.

Dù theo bất kỳ hướng nào, bà Yun Jiang cho rằng không nên coi những khó khăn hiện nay là một trạng thái bình thường mới trong quan hệ giữa hai nước.

Cả Australia và Trung Quốc cần thể hiện sự sẵn sàng cải thiện mối quan hệ. Tuy nhiên, bà Yun Jiang nhấn mạnh tại thời điểm này, có vẻ như cả hai bên đều chưa sẵn sàng ngồi lại với nhau để thảo luận cho mục đích trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục