Quan hệ bố trí ngân sách với kết quả giảm nghèo

Làm rõ quan hệ bố trí ngân sách với kết quả giảm nghèo là vấn đề nêu tại hội thảo do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức.
Tối 26/10, đông đảo các đại biểu Quốc hội (khóa XII) đã tham dự Hội thảo về ''Thực hiện chính sách giảm nghèo'' do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.

Phát biểu khai mạc, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu rõ mục đích Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 5 năm (2006-2010) và Chương trình 135 của Chính phủ (giai đoạn II) và đánh giá hệ thống chính sách về giảm nghèo, giúp các vị đại biểu Quốc hội có thêm thông tin để thảo luận, quyết định tại Kỳ họp Quốc hội lần này những vấn đề có liên quan tới kinh tế-xã hội nói chung và chỉ tiêu giảm nghèo nói riêng.

Bên cạnh khẳng định những nỗ lực và thành công của Việt Nam trong công tác giảm nghèo đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bà Mai cho rằng, còn khá nhiều vấn đề cần được xem xét, đánh giá sâu sắc hơn đối với cả giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Điển hình cần làm rõ quan hệ giữa bố trí ngân sách với kết quả giảm nghèo.

Theo bà Mai, kết quả giảm nghèo chưa phản ánh đúng thực chất vì chuẩn nghèo hiện nay được xây dựng từ năm 2005 nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời với sự biến động của chỉ số giá tiêu dùng; đời sống của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng núi, vùng biên giới, hải đảo còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 4 lần tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước.

Một số mô hình có hiệu quả trong giảm nghèo khó nhân rộng do còn thiếu cả về kinh phí và nhân lực; một số chính sách cho người nghèo chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi; cơ chế, chính sách giảm nghèo còn bất cập dẫn đến một bộ phận người nghèo không tiếp cận được sự trợ giúp; ngân sách bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo chưa đầy đủ theo kế hoạch.

Trong 4 năm (2006 - 2009) ngân sách bố trí cho chương trình chỉ đạt 55,58% kế hoạch 5 năm. Nếu tính cả dự tính năm 2010 thì tổng kinh phí cho chương trình đạt khoảng 76,7% kế hoạch; vốn tín dụng cho hộ nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu, cùng với mô hình tổ chức quản lý và thực hiện các chính sách chưa hợp lý, còn chồng chéo.

Những hạn chế trong công tác giảm nghèo làm cho một bộ phận người nghèo chưa thoát nghèo một cách bền vững. Bên cạnh đó, số hộ nghèo còn lại tập trung vào số hộ nghèo khó khăn nhất, qua nhiều giai đoạn thực hiện chính sách giảm nghèo nhưng chưa thoát nghèo được, mang tính chất cục bộ, tập trung ở những địa bàn vùng sâu vùng xa hoặc ở môi trường dễ bị tổn thương trước sự phát triển của nền kinh tế.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã nghe các ông Peter Chaudhry, Cố vấn Kỹ thuật cao cấp và Richard Jones, Trưởng nhóm chuyên gia của UNDP báo cáo về một số phát hiện và đề xuất chính từ Báo cáo đánh giá giữa kỳ hai chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 Giai đoạn II (P135-II) giai đoạn (2006-2010); kết quả nghiên cứu lập bản đồ giảm nghèo.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về nội dung của hai Báo cáo này và đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất ngắn hạn, trung, dài hạn và các khuyến nghị của UNDP đối với hai chương trình cũng như đối với các chính sách và dự án giảm nghèo của Việt Nam.

UNDP cũng đề nghị đối với các nghiên cứu tiếp theo cần phân tích sâu hơn về các dự án giảm nghèo theo ngành như giáo dục và nông nghiệp; ngân sách cho giảm nghèo và chuẩn hóa báo cáo về các chương trình giảm nghèo; đánh giá các văn bản pháp quy liên quan đến các chương trình giảm nghèo để khắc phục tình trạng chồng chéo và nhầm lẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục